QĐND - Cô gái mặc quần áo bà ba đen ngập ngừng đứng trước căn biệt thự nhỏ mặt tiền hướng ra sông Sài Gòn. Căn biệt thự có giàn hoa giấy leo lên sân thượng rồi buông từ tầng tư xuống tầng trệt. Hòn non bộ. Hồ bán nguyệt. Mảnh sân nhỏ trồng cỏ úc xanh mượt, mịn như nhung…
Góc phòng khách, con bé chủ nhà mặc mini juyp trắng đang ngồi trước cây dương cầm. âm thanh bản nhạc "Phiên chợ Ba Tư" theo ngón tay thon búp măng lướt trên phím đàn, tràn ra ngoài sân. Tiếng vó ngựa hối hả, tiếng lạc đà kêu, tiếng dao băm trên thớt, tiếng người mua bán... được gọi chung là tiếng chợ trong bản nhạc không hợp chút nào với tâm trạng cô gái ở ngoài cổng. Trước sân, chủ nhà xích con béc-giê Đức cao to như con bê vào gốc cây sao.
Đắn đo. Do dự. Cuối cùng cô gái cũng nhấn chuông.
 |
Minh họa: GIA BÁCH |
Con béc-giê phóng vút ra cổng, kéo rê dây xích xoẻng xoẻng quẹt trên nền gạch đỏ. Miệng nhe răng trắng ởn. Lưỡi đỏ hỏn. Hai chân trước bổ lên cao khi bị dây xích giằng lại.
Cô gái mặc bà ba đen giật mình lùi ra một bước, nem nép, sợ. Chủ nhà trong bộ đồ pijama mở hé cánh cổng và thò đầu ra ngoài:
- Cháu hỏi ai?
- Thưa... con tìm bác Hai Lãng.
- Là tôi đây.
- Đúng rồi! Má con hổng nhầm được-Cô gái mừng như trẻ nhỏ, hai mắt long lanh, mặt rạng rỡ, hớn hở như vừa tìm thấy vật quý bị đánh mất-Má con đã nhìn thấy bác trên vô tuyến truyền hình. Con cũng đã một lần được xem triển lãm tranh của bác.
- Ủa! Nhưng cháu là con cái nhà ai?
- Con là con má út Sương, dưới Đức Hòa, Long An.
Út Sương, dưới Đức Hòa? Có một tia chớp nhỏ, cực sáng xẹt qua đầu Lãng. Tia chớp đánh thức miền tối mù mờ trong cái đầu mụ mị của anh. Linh cảm mách bảo Lãng rằng: Lãng đang phải đối mặt với một việc hết sức hệ trọng.
- Trời đất! Cháu là con gái út Sương? Thảo nào giống quá.
- Dạ! Má con biểu đưa bác xem hai bức tranh này làm tin. Còn đây là lá thư, hổng biết má con viết gì cho bác.
Người đàn ông run run, tay lần mở cuộn tranh hình ống được bọc một lớp giấy báo cũ bên ngoài. Mặt Lãng tái dần và thất thần. Bức tranh “Đi qua cánh đồng Chó Ngáp” và bức chân dung “Cô giao liên đồng bưng”, Lãng đã bán, giờ lại hiển hiện trước mặt...
Cô gái ngập ngừng, vừa có ý chờ chủ nhân ngôi biệt thự mời vào, vừa có ý muốn chào và quay bước. Đúng lúc người đàn ông đang khó xử thì có tiếng guốc kêu loẹt quẹt và tiếng người vợ giục chồng vào ăn cơm. Lãng bối rối. Lãng móc túi lấy tấm các:
- Đây là địa chỉ phòng tranh của bác. Cũng gần đây thôi. Bác sẽ điện thoại cho nhân viên bán hàng tiếp cháu. Ai có hỏi cháu cứ biểu cháu là người xem tranh. Cháu chịu khó chờ bác ở đó. Lát nữa bác sẽ qua, có nhiều chuyện bác muốn hỏi cháu.
- Dạ! Con chờ bác. Cho con xin lại bức tranh cánh đồng và chân dung của má con.
- Ờ!-Lãng lưỡng lự giây lát rồi giục cô gái: Thôi đi đi cháu. Nhớ chờ bác bằng được nghe!
- Dạ...
Đường phố đã lên đèn. Lúc này, gió ngừng thổi. Hàng cây sao im lìm. Cô gái uể oải bước, lẻ loi giữa thành phố đông người.
Vợ Lãng sốt ruột, đứng ngay thềm hè hỏi chồng:
- Có chuyện gì lâu thế anh?
- Có người bạn nhắn đến vẽ bức chân dung.
Con gái Lãng đã buông đàn, đang sắp cơm:
- Lúc chuông kêu, con tưởng bọn ăn mày. Dạo nầy ăn mày ở đâu ra nhiều thế hổng biết.
Lãng ừ à cho xong chuyện. Lá thư phập phồng trong túi áo ngực theo nhịp tim Lãng đập thình thình. Ngồi ăn cơm với vợ con mà lòng dạ Lãng cứ để ở đâu đâu. Vợ Lãng không hề biết chồng như đang có lửa đốt trong lòng. Chị luôn miệng kể chuyện mua đất bán nhà, giá vàng lên cao, thời trang mùa thu năm nay nhiều mốt lạ...
Xong bữa cơm, Lãng chui vào phòng vẽ, xé vội bì thư. Mắt Lãng hoa lên. Những dòng chữ thân quen một thời nhảy nhót trước mặt Lãng.
"Anh Hai Lãng!
Chỉ vì sợ anh bán mất hai bức tranh ngày xưa anh vẽ nên em đã nhờ người mua lại. Lúc giận anh, em nghĩ: Anh không bán tranh mà bán cô gái trong tranh rồi. Anh đã quên em, quên má con em. Nhưng em hổng bao giờ quên được anh. Sau giải phóng, em đi tìm anh thì anh đã có vợ. Em định chôn chặt mối tình này trong lòng, nhưng em hổng làm nổi. Má con em làm lụng nuôi nhau. Nay, con gái của chúng mình đã tốt nghiệp đại học, đi làm. Em cho con đến để anh biết mặt con. Thế thôi! Còn em và anh, gặp nhau chẳng để làm chi. Bây giờ, sự đã rồi, chỉ mong anh ăn ở với vợ con anh cho vuông tròn. Út Sương!".
Lãng tì tay, gục đầu xuống thành ghế. Đầu óc ong ong như có muôn vàn tiếng chuông cùng gõ ở bên trong. Hơn hai mươi năm rồi. Có những chuyện tưởng như đã lãng quên, đã vùi sâu vào quá khứ. Bỗng chốc tất cả cựa quậy, sống lại, ùa về...
***
Gọi là cánh đồng Chó Ngáp bởi nó rộng mênh mông, xa ngút tầm mắt. Mùa khô, chó nhà, chó hoang chạy cong đuôi hết cánh đồng phải nằm ệch ra ngáp vì mệt. Mùa mưa, người lội một buổi không qua, đi một đêm không hết. Đi ban ngày dễ lộ, không bị địch bắn chết thì cũng bị chụp, quẳng lên trực thăng. Đêm, địch bắn pháo sáng soi rõ từng gốc cây, mô đất. Ngày, OV10 quần thảo, xăm xoi, không có gì qua mắt bọn Mỹ...
Hồi ấy, Lãng là điện báo viên ở miền Bắc mới vào R. Năm giờ chiều, bên giao liên cử người đến đón Lãng về tổ đài huyện Đức Hòa. Lãng cứ tưởng một chàng trai, một người đàn ông gì đó mặt nhàu sương gió và khói đạn bom dẫn đi. Ai ngờ lại là một cô gái trẻ măng, trắng trẻo, mặt trái xoan, mặc bộ bà ba, khoác súng AR15 lù lù trước mặt Lãng.
Lãng bất chợt thốt lên:
- Là cô à?
- Vâng! Em là út Sương. Bộ em hổng đưa anh về Đức Hòa được sao?
- Cô mà đưa tôi qua được cánh đồng Chó Ngáp?
- Em hổng đưa anh qua thì ai đưa? Anh sợ hả?
- Tôi không sợ. Tôi có bị làm sao là việc nhỏ, nhưng không đưa được cái máy vô tuyến điện 15W này về Đức Hòa mới là chuyện lớn.
- Thôi, hổng nói nữa. Bây giờ, em là người chỉ huy anh!
Cô gái cúi xuống lấy cái bồng của Lãng rồi xốc lên vai. Đi được mấy bước, cô gái quay đầu lại:
- Anh khoác máy lên. Anh không khoác được là em khoác đó!
Trời đất ơi! Đã khoác bồng của Lãng, lại còn đe khoác cả máy vô tuyến điện nữa. Lãng đã lội suối, leo đèo hành quân bốn tháng vượt Trường Sơn, đã gặp không biết bao nhiêu cô gái giao liên. Cô nào cũng khỏe mạnh, cứng cáp, cổ tay tròn lẳn, mặt dãi dầu, Lãng yên tâm vô cùng. Vậy mà lần này, một cô gái yếu đuối, mảnh mai thế này lại đang nắm giữ sinh mệnh của Lãng cùng cái máy vô tuyến điện quý giá. Chuyện gì sẽ xảy ra khi bất ngờ gặp địch trên cánh đồng Chó Ngáp? Lãng lầm lũi đi, im lặng bước, không trò chuyện, cứ như cô gái đang dẫn đường không hề quen biết.
- Sao anh Lãng không nói gì vậy?
- Có cái gì mà nói chứ?
- Ví dụ như anh Lãng con thứ mấy?
- Tôi con đầu lòng.
- Vậy anh là anh Hai. Anh Hai Lãng nói nữa đi!
- Cô cứ hỏi tôi cái gì thì tôi nói cái đó.
Cái lối xẵng giọng của Lãng làm cô giao liên mất hứng. Chuyện trò chủng chẳng. út Sương đành im lặng, bước đi như người mắc lỗi.
Đồng bưng mênh mông ngút tầm mắt. Đi mãi, đi mãi chỉ thấy cỏ bời bời. Đi mãi đi mãi chỉ thấy nước trắng rờn rợn. Đi mãi đi mãi lại thấy tràm xanh non bạt ngàn. Chiều về, bầu trời xám đục. Chim rù rì bay chi chít trên cao. Tiếng chim thảng thốt thả xuống cánh đồng hoang vắng. Gió chướng phóng khoáng đuổi nhau trên cỏ dại. Giữa mênh mông nước trắng, một cây khô đơn độc, cành khẳng khiu thò sang ngang, chĩa lên trời. Lãng nhìn thấy chim rù rì đậu xuống, bay lên chi chít như những chấm đen và kêu ríu rít. Lòng người nôn nao. Bom đạn, giặc giã, chiến tranh ở đâu đó chớ dường như chẳng đến nơi này. Đôi tay nhàn rỗi của Lãng muốn cầm bút vẽ khi cảm hứng ùa đến. Lãng bảo út Sương đưa bồng cho Lãng. Lãng muốn lấy bút ra vẽ.
- Trời đất ơi! Đi qua cánh đồng Chó Ngáp mà anh đòi dừng lại vẽ?
- Mọi khi tôi hành quân cũng vừa đi vừa dừng lại vẽ dọc đường mà!
- Nhưng anh và em đang vượt cánh đồng Chó Ngáp…
- Tôi van cô đấy. Cô út Sương hãy chiều tôi đi. Tôi vẽ nhanh thôi mà!
Anh sinh viên mỹ thuật khoác áo lính mới toe ra chuyện ta đây từng trải bom đạn, coi thường con gái mảnh mai đã phải xuống nước năn nỉ út Sương. Dừng lại, là chiều chuộng cái tính bốc đồng, lãng mạn của anh lính mới vào chiến trường, nhưng sẽ rất nguy hiểm. Cứ đi tiếp, thì hai người sẽ lại càng nặng nề hơn. Lưỡng lự, nhưng rồi út Sương cũng phải đổi ý chỉ vì Lãng van nài tha thiết quá.
Út Sương trao bồng cho Lãng, rồi cô khoác máy 15W lên vai, bảo Lãng đặt giấy lên mà vẽ. Cánh đồng chiều. Đường chân trời. Cây khô lẻ loi. Chim rù rì bay, đậu. Và hai người khoác bồng lội bì bọp theo lối mòn như sợi dây thừng bị đánh rơi trên cánh đồng Chó Ngáp. Bầu trời gam màu xám. Buồn! Buồn cô liêu. Lãng bồi hồi, thổn thức chép lại những gì mình thấy, mình cảm nhận được. Bức ký họa "Đi qua cánh đồng Chó Ngáp" hoàn thành khi chiều sắp qua. Sau này đôi lúc nhớ lại, Lãng tự cười mình dở hơi, điên, khùng, nhưng rồi lại tự an ủi mình là một chiến sĩ, nghệ sĩ đích thực... Dù sao thì Lãng cũng có một bức ký họa rất sinh động, chân thực thời chiến tranh. Sau này, từ bức ký họa, anh hoàn chỉnh tác phẩm bằng sơn dầu và tham gia triển lãm được giải cao.
Sâm sẩm tối. út Sương bảo Lãng dừng lại xắn cao quần. út Sương lội trước. Lãng lội theo sau. Bì bõm. Càng về đêm càng tối mù. Bắp chân út Sương trắng quá. Đêm đen cũng bất lực không xóa nổi bắp chân tròn trắng cứ lấp loáng trước mặt Lãng. Thỉnh thoảng dép râu trật khỏi gót, Lãng đạp phải gốc tràm dưới bùn đau nhói. Lúc đầu, Lãng còn theo kịp, sau cứ tụt dần, xa dần. Lãng căng mắt cứ nhòm bắp chân cô giao liên mà bước theo. út Sương chốc chốc phải dừng lại chờ...
Đi suốt buổi chiều và một đêm, út Sương mới đưa được Lãng vượt qua cánh đồng Chó Ngáp, nhưng không về kịp Đức Hòa. Hai người đến vùng Mỏ Vẹt thì đụng giặc càn. Út Sương dẫn Lãng chạy vô nhà một cơ sở đằng mình khi bọn giặc đã thấp thoáng trong sương sớm đầu ấp. Út Sương xô cửa nhà má Năm kêu gấp gáp:
- Má... má Năm. Con út Sương đây nè!
- Trời đất! Mày về hồi nào. Sao giờ nầy tụi bây còn ở đây?
- Bọn con về trễ. Anh Hai bộ đội đây mới ở ngoài Bắc vô.
Lãng sợ quá, mặt xám dần, giọng lập bập:
- Địch càn đến... đến nơi rồi. Giờ sao... má?
- Thì bọn bây xuống hầm cá trê chớ còn sao!
Khi bọn giặc càn vào trong ấp thì út Sương và Lãng đã chui vào hầm cá trê. Mỏ Vẹt là vùng da báo, ngày của địch, đêm của ta. Cán bộ cách mạng nằm vùng phải chui hầm bí mật. Lúc đầu, bà con đằng mình đào hầm dưới chuồng trâu, bò vì chỗ ô uế địch ít ngờ. Sau có người bị bắt, chịu không nổi khai ra, hầm bí mật bị khui hàng loạt. Bà con mình lại đào hầm dưới bụi tre. Tưởng yên lành được dài dài, nhưng rồi cũng bị lộ. Địch dùng hai xe tăng M48 căng dây xích giăng ngang, càn vô các bụi tre. Tre pheo bật hết gốc, trơ miệng hầm. Bà con mình lại đào hầm cá trê. Gọi là hầm cá trê vì phải đào bên cạnh giếng khơi một giếng nữa, cách khoảng nửa mét. Đào tiếp cho hai giếng thông nhau, nước từ giếng cũ thông qua giếng mới. Đào tiếp lỗ thông hơi nằm nghiêng, theo hình loa, dưới to trên nhỏ. Trên mặt giếng mới làm sàn gỗ, hoặc tre cho người đằng mình ngồi được. Phía trên giếng mới làm trần gỗ, tre, đổ đất dày hai hoặc ba mét, địch vô tình xăm trúng cũng không xuyên tới. Và trên mặt đất phải ngụy trang không hề có dấu vết mới. Người đằng mình, ban ngày nhảy ùm xuống giếng cũ rồi chui sang hầm cá trê. Chập tối, nghe tiếng gõ báo an ở thành giếng cũ, lại chui từ hầm qua giếng cũ, trồi khỏi mặt nước. Người trợ giúp ở trên cho người dưới giếng bám dây gầu múc nước leo lên...
Út Sương và Lãng cũng có một ngày náu trong hầm cá trê như vậy. Máy 15W đã bọc sẵn ni-lông quẳng xuống giếng trước, út Sương nhảy xuống tiếp, Lãng nhảy theo sau. Nước giếng sâu, lạnh, hai người ướt lướt thướt. Khi út Sương kéo được Lãng từ ngách lên mặt sàn hầm bí mật thì cũng là lúc má Năm quẳng gầu xuống múc nước. Lãng cảm nhận được tiếng giày đinh, tiếng chó cắn, gà quác, tiếng súng nổ trên mặt đất...
- Bọn nó đến rồi đó-tiếng út Sương nói nhỏ.
Lãng ghé sát tai cô giao liên, giọng chân thành đầy biết ơn và hối hận:
- Tại tôi mới đến nông nỗi này…
- Cũng tại em nữa.
- Chiều qua, út Sương có giận anh không?
- Anh Hai hổng biết chớ ở cứ em đã đứng lén nhìn anh Hai vẽ hàng giờ. Con trai miền Bắc mới vô mà giỏi quá. Anh Hai hổng biết chớ em năn nỉ xin mãi mấy chú mới cho em đưa anh Hai qua cánh đồng Chó Ngáp đó!
- Vậy mà anh đã phụ lòng út Sương…
Vài sợi tóc mai út Sương chạm vào mặt Lãng và hơi thở cô nóng hổi bên má anh. Nước từ quần áo ướt chảy xuống mặt sàn hầm, rơi thánh thót xuống mặt nước. Lãng thấy người ớn lạnh, bắt đầu run. út Sương bảo:
- Anh Lãng cởi quần áo ra vắt cạn nước đi. Đừng ngại, thỉnh thoảng đụng giặc càn, bọn em chui vô hầm cá trê cũng ướt vậy. Anh Hai không quen, mặc quần áo ướt là bệnh đó nghen.
Lãng ngượng ngùng... Dù cố nép vào vách hầm, tay Lãng vẫn chạm phải người cô gái. Lãng vắt khô quần áo, mặc lại vào người xong, anh bảo:
- Bây giờ đến lượt em.
- Vâng. Nhưng anh Hai phải quay mặt đi nơi khác.
Lãng cảm thấy út Sương gần gũi, tin cậy biết bao. Anh thì thầm:
- Tối mò mò. Anh có căng mắt nhìn cũng không thấy đâu mà sợ.
Tiếng cởi quần áo sột soạt. Tiếng vắt nước rơi tõng tõng. Và cũng như Lãng, loay hoay trong căn hầm chật chội, dù cố nép sát vào vách hầm, nhưng út Sương vẫn chạm vào người anh. Anh né người tránh khỏi chạm vào cô gái thì tay lại đụng phải bờ vai tròn lẳn của cô. Bằng trực giác của chàng trai sinh viên mỹ thuật, của anh lính trẻ chưa vợ, Lãng tưởng tượng trong đầu, cảm thấy cô gái khỏa thân đang lồ lộ trước mặt mình. Mùi đất ẩm ướt, mùi sàn ẩm mốc, mùi bùn non dưới đáy giếng bốc lên ngai ngái, mùi con gái nồng nàn quyện lẫn làm cho Lãng rạo rực. Có một cái gì đó cựa quậy trong lòng Lãng. Anh cũng nghe được tiếng thở phập phồng của người khác giới trong căn hầm chật hẹp. Lãng cảm thấy nghẹt thở, tim đập thình thịch…
***
Lãng không dám nhớ tiếp chuyện gì đã xảy ra của những tháng ngày đã qua. Anh mở cửa ga-ra, lái ô tô gấp đến phòng tranh. Cô gái mặc quần áo bà ba màu đen không có ở đó. Lãng hỏi nhân viên của mình thì được biết: Cô gái chỉ vào bức tranh "Đi qua cánh đồng Chó Ngáp" và bức chân dung "Cô giao liên đồng bưng" treo ở góc đằng kia, hỏi mua có phải đặt tiền trước không? Nhân viên bán hàng biểu, tranh chép, bán dài dài nhiều lần rồi. Bán hết lại chép thành tranh mới. Gặp khách, được giá thì bán. Đến mua lúc nào cũng có, không phải đặt tiền trước. Nghe xong, cô gái mặc quần áo bà ba đen thở dài, không nói thêm một lời rồi lặng lẽ bước ra khỏi phòng tranh.
Lãng chạy vội ra ngoài. Anh chỉ thấy dòng người hối hả với những bộ thời trang mới lạ và xe cộ sang trọng nườm nượp trôi trên đường phố…
Truyện ngắn của SƯƠNG NGUYỆT MINH