Thành - bại trong tích tắc

Từ cái gốc của một chiến sĩ công binh, Đại tá, xạ thủ quân đội Hoàng Xuân Vinh đã bước lên đỉnh cao nhất của thể thao thế giới với 1 HCV, 1 HCB cùng 1 kỷ lục tại ô-lim-pích Rio 2016. Phía sau nhà vô địch và kỷ lục gia Thế vận hội này không chỉ là một hành trình vượt khó chịu khổ ngày ngày mà còn là một cuộc chiến dữ dội với chính bản thân mình.

leftcenterrightdel
Kỷ lục gia ô-lim-pích, tuyển thủ quân đội Hoàng Xuân Vinh là niềm tự hào của thể thao nước nhà. Ảnh: HẢI ĐĂNG 

Để làm nên kỳ tích lịch sử cho thể thao Việt Nam, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã trải qua hàng nghìn ngày vượt khó, chịu khổ với nghịch cảnh để súng cướp cò đúng viên đạn cuối tại ASIAD 2010, hay thua đối thủ giành HCĐ ô-lim-pích Luân Đôn 2012 vỏn vẹn 0,1 điểm. Trong đó, điểm nhấn quyết định chính là thời điểm Hoàng Xuân Vinh thất bại cả 4 nội dung tại ASIAD 2014 trên đất Hàn Quốc, nơi anh đã thất bại cả 4 nội dung trong sự… bình thản đến mức lạnh lùng.

Ngồi trầm lặng ở một góc Trường bắn Incheon, Xuân Vinh không nhắc gì đến việc không giành nổi tấm huy chương nào mà chỉ tâm sự với tôi, nhưng như chất vấn chính bản thân mình: “Tôi đã luôn quyết tâm nỗ lực hết sức, song nhiều khi khó thật”. Vinh nói về những cái thiếu, song ở đó không hề có một chút gì của sự bì tị, hay có ý đổ lỗi.

Đại tá, tuyển thủ quân đội Hoàng Xuân Vinh chia sẻ: “Tôi luôn xác định mình không được đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan hay khuất phục trước khó khăn, phải gắng làm hết phần của mình có thể. Thành tích của bắn súng Việt Nam đang ngày càng tốt lên và đó là cái gốc để tạo nên những thay đổi”.

Hoàng Xuân Vinh bảo quá tiếc vì đã hai lần để lỡ HCV ASIAD và một lần vuột mất huy chương ô-lim-pích bởi “nếu đoạt được tất nhiên đó sẽ là thành quả của mình, song quan trọng hơn, qua đó có thể góp được một điều gì đó đáng kể cho bắn súng, cho thể thao Việt Nam”. Vì thế ngay từ trường bắn ở ASIAD 2014, Vinh đã nghĩ tới một mục tiêu với anh có thể rất xa mà cũng có thể thật gần: Huy chương ở Thế vận hội Rio 2016. Với đặc tính của một xạ thủ, lại khoác áo lính, anh cũng không quên dặn thêm chính mình: “Cứ coi đó chỉ là chuyện bên lề. Nhiệm vụ của dân bắn súng chúng tôi là tập luyện, thi đấu trong im lặng chứ không phải tuyên bố hay khẳng định cái gì đâu nhé”.

Có thời điểm, Hoàng Xuân Vinh cũng từng đặt câu hỏi cho mình và tính đến phương án dừng lại. Thế nhưng tôi không thể dừng, bởi nếu làm vậy thì kém quá. Vinh cũng hiểu rằng, muốn thành công, nhất là cho một “cuộc phục thù” ở đấu trường ô-lim-pích, chỉ còn cách tự vượt lên và làm mới chính mình. Một người lính từng trải qua cả quãng đời tuổi thơ, tuổi trẻ bất hạnh, khốn khó với nỗi đau hai lần “mồ côi” mẹ như Hoàng Xuân Vinh thì không bao giờ chịu lùi bước. Trụ lại và tiếp tục phấn đấu, đó là mệnh lệnh thôi thúc từ trong con tim tuyển thủ quân đội. Hỏi và trả lời, chỉ còn cách phải nghĩ khác và làm khác, phải thay đổi quyết liệt ngay từ bài tập tâm lý, nín thở, phương án đấu giải, nghiên cứu đối thủ… Hoàng Xuân Vinh coi mỗi ngày tập giống như một ngày chuẩn bị thi đấu giải thế giới, với 10 đến 12 tiếng miệt mài tập với súng đạn nơi trường bắn, 2 tiếng ôn luyện bằng đầu cho những bài tập vào buổi tối… Không còn thấy một Hoàng Xuân Vinh chỉ bắn tốt vòng loại hay những lượt đầu chung kết và thua ở thời điểm quyết định. Thay vào đó là một Hoàng Xuân Vinh đầy sức công phá và bản lĩnh.

Mãi là người lính

“Có thể bây giờ tôi vẫn đang là một sĩ quan công binh, nếu như không bắn tốt”-có lần ngồi với Hoàng Xuân Vinh, anh cười hiền khô kể chuyện. Nhờ năng khiếu trời sinh nên dù chẳng mấy chuyên tâm, chàng trai đất Sơn Tây (Hà Nội) này luôn nhất tuyệt đối tại các hội bắn toàn quân. Hoàng Xuân Vinh bắn tốt đến nỗi ở mùa 1998, cả ban huấn luyện của đội bắn súng quốc gia đều có mặt để theo dõi rồi lập tức đề xuất đặc cách chuyển sĩ quan 26 tuổi này sang thể thao chuyên nghiệp. Hồi đầu vì thấy Vinh vẫn băn khoăn, lãnh đạo còn cho anh được hưởng chế độ “mở” đặc biệt, nếu qua một năm tập luyện thấy không phù hợp có thể chuyển lại đơn vị cũ. Thế nhưng đó lại chính là ngã rẽ cuộc đời, bởi sau một năm chỉ có ăn và tập bắn súng, trình độ của Vinh đã ngang bằng những đồng đội rèn giũa 5-6 năm. Vinh cũng chỉ mất đúng một năm để “bay” thẳng vào đội tuyển quốc gia, sau khi xuất sắc giành HCV kèm theo một kỷ lục quốc gia ở nội dung giờ giúp anh vang danh thế giới: 10m súng ngắn hơi. Tại đội tuyển quốc gia, Hoàng Xuân Vinh đã trải qua ba năm đóng vai phụ bên cạnh “tượng đài” Mạnh Tường ở tổ súng ngắn. Chính khoảng thời gian đó đã giúp Vinh trau dồi, tích lũy được nền tảng và kỹ năng cần thiết để tạo nên sự bùng nổ bắt đầu từ năm 2005, không chỉ thay thế xứng đáng mà còn vượt cả đẳng cấp của đàn anh Mạnh Tường.

Sau kỳ tích trên đỉnh ô-lim-pích 2016 gây chấn động làng thể thao quốc tế, tạo nên một hiệu ứng đặc biệt tại Việt Nam, với VĐV nào có thể hoàn toàn khác song với Xuân Vinh, cuộc sống và công việc của anh vẫn diễn ra như bình thường. Vài ngày sau chiến thắng để đời trên đất Rio (Bra-xin), Hoàng Xuân Vinh đã tập luyện như bình thường.

Tất nhiên, cuộc sống của kỷ lục gia ô-lim-pích Hoàng Xuân Vinh có phần đổi khác khi anh liên tục đồng hành, tham dự các sự kiện, các hoạt động tôn vinh, thậm chí còn nổi hơn cả các ca sĩ hay người mẫu hàng đầu của làng showbiz. Thế nhưng, nhà vô địch và kỷ lục gia thế vận hội này vẫn mang bản chất của một người lính đúng nghĩa, khiêm tốn, giản dị và luôn hướng về phía trước. Hoàng Xuân Vinh đã là một tỷ phú thể thao từ nguồn tiền thưởng lên tới 6 tỷ đồng, song thay vì nghĩ tới việc chi dùng cho các nhu cầu của bản thân, gia đình, anh chỉ đau đáu với mục tiêu mở một trung tâm bắn súng mang tính xã hội hóa nhằm thúc đẩy phong trào, đáp ứng nhu cầu rèn tập của giới trẻ. Hoàng Xuân Vinh cũng chủ động thiết lập quỹ từ thiện mang tên “Vinh quang và sự biết ơn”, bằng việc anh đóng góp 220 triệu đồng. Tuyển thủ quân đội Hoàng Xuân Vinh đã đến với những người khuyết tật, trẻ em mắc bệnh ung thư, học sinh nghèo vượt khó...

TƯỜNG NHI