Nhà báo Vũ Hạnh (ngoài cùng, bên trái) và nhà báo Phan Quang (người đeo kính) cùng các chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ảnh do tác giả cung cấp
Đây rồi Lê Văn Vự, anh bộ đội vạm vỡ, vốn là Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 8, bộ đội địa phương tỉnh, khiêm tốn chắp tay khi chụp ảnh. “Trong 81 ngày đêm, trận nào ác liệt nhất đối với anh?”. Tôi hỏi và Lê Văn Vự trầm ngâm: “Trận nào cũng ác. Nhưng tôi nhớ hoài trận cuối. Sau khi diệt một đại đội lính thủy đánh bộ, chúng tôi ăn một trận bom dữ dội. Hôm đó tôi nằm ở chỗ này…”. Anh trỏ một điểm trên bản đồ: “Củng cố xong đội ngũ, chúng tôi dùng B-40 diệt 68 tên nữa. Sau trận ấy, tôi được lệnh đưa Xê 1 ra”.
- Vậy là anh bám trụ tại đây suốt cả thời gian?
- Không, chỉ 80 ngày, bởi đêm 13-9 chúng tôi đã ra. Xê 3 của anh Kỳ mới trụ đến cuối, đêm 15 rạng ngày 16, đơn vị anh mới vượt sông sang bờ bắc. Xê 3 là đơn vị ra sau cùng.
- Anh có lần nào bị thương?
- Không. Một lần có một mảnh bom sượt qua tay, làm xước mặt cái đồng hồ. Nhưng nó vẫn chạy. Tôi vẫn đeo đây.
Anh cười, chìa cánh tay rắn như khúc tre gộc, khoe cái đồng hồ quý. Cái đồng hồ trải qua bao lửa đạn ấy, nay vẫn tạo thành một điểm sáng trên tấm ảnh vàng.
Gọi là bộ đội địa phương, nhưng trong số mấy người tôi chuyện trò hôm ấy có chàng trai Hà Nội tên Đặng Văn Khải, có cậu học sinh quê hương “năm tấn” Thái Bình, tự hào từng hai lần dự thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc, tên là Trần Trọng Thái. Đất nước yên bình, Thái được phép về thăm quê. “Mấy đứa cùng lớp với tôi vào Trường Đại học Y Thái Bình. Tôi lại vào đây. Được cái may, tuy chưa học xong lớp 10, trước khi nhập ngũ, nhà trường ưu ái cấp cho cái bằng tốt nghiệp. Có bằng rồi, mình học thêm, thi đại học lúc nào chẳng được!”.
Trương Cuông là người sở tại, thuộc huyện Gio Linh sát bờ nam sông Bến Hải: “Tôi là lính mới, nhưng trận trước có lấy được một khẩu đại liên, nên được chỉ định làm tổ trưởng. Tổ hai người, Thanh và tôi. Hai chiếc xe tăng địch tiến vào. Thanh nói: “Anh cho em bắn trước”. Nhưng cậu không dứt điểm. Xe đứt xích, trở thành cái lô cốt sống xả đạn bắn trả ào ào. Hai anh chốt bên cạnh hy sinh. Thanh bị thương ở mắt. Còn lại một mình tôi. Chờ chiếc xe tăng sau đến thật đúng tầm, tôi bắn. Xe bốc cháy. Bọn bộ binh địch đi theo sau xe hoảng hốt chạy ùn trở lại. Buông súng xuống, tôi băng vết thương cho Thanh. Mắt nó ra nhiều máu quá. Dùng hết hai cuộn băng, máu vẫn chảy đầm đìa. Thương thằng Thanh quá, e mù mất thôi”.
Anh chàng Trương Cuông gan lỳ ấy, khi tôi hỏi chuyện vợ con, lại đỏ mặt nói như phân bua: “Tôi đã định lấy vợ đâu. Nhưng mình là con út. Các chị gái đã về nhà chồng. Tôi ghé thăm nhà, mẹ tôi nói: Cha mi với tau đều già cả rồi. Khi tau đau, cha mi không đỡ nổi, cha mi ốm, tau không nâng giấc được. Mi phải lấy vợ, rồi muốn đi nữa cứ đi...”.
Hơn bốn mươi năm đã qua, những người trong ảnh giờ ai còn, ai mất? Đã từ lâu tôi đau đáu câu hỏi ấy. May mắn làm sao sau một bài báo về ký ức chiến tranh của tôi đăng trên Báo Quảng Trị và Báo Sài Gòn giải phóng dịp Quốc khánh 2-9-2016, tôi nhận được tin nhắn từ một số máy lạ: Kính chào ông! Em là Trần Trọng Thái đây. Vậy mà đã hơn bốn mươi năm trôi qua, kể từ ngày em được gặp ông ở Thành cổ Quảng Trị. Từ đó đến nay em chưa gặp lại người nào trong bức ảnh. Ông có khỏe mạnh không?
Tôi vội liên hệ với người chiến sĩ năm xưa, lúc đầu qua điện thoại, sau chuyển sang thư điện tử để chuyện trò được nhiều hơn. Anh cho biết, hiện đang sống cùng gia đình tại quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Bức thư chẳng quá đi sâu vào cuộc sống riêng tư, nên xin anh Trần Trọng Thái cho phép tôi công bố trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần số Xuân Đinh Dậu 2017 này, để nhiều người, trước hết là các đồng đội cũ của anh, cùng chia sẻ niềm vui:
Sau lần gặp ấy, đơn vị chúng em được điều đi rà phá bom mìn, đóng quân ở xã Trung Sơn và Gio Sơn, huyện Gio Linh. Thời kỳ này em vẫn làm báo vụ, sau đó làm trợ lý quân lực. Tháng 10-1977, em được chuyển ngành về Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Bình, rồi được cử đi học ở Trường Cán bộ Kiểm sát Trung ương tại xã Dương Nội, thị xã Hà Đông. Ngày ấy, công tác cán bộ ưu tiên chọn những người đã trải qua chiến đấu, có thành tích, có học vấn là được vào ngay biên chế ông ạ. Cũng may mắn cho em.
Sau khi học xong, em được giữ lại trường và được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao điều động tăng cường cho miền Nam. Thế đấy! Tưởng rằng hết chiến tranh thì được gần mẹ và các em, nhưng lại phải đi quãng đường xa gấp ba lần từ quê nhà Thái Bình vào Quảng Trị năm nào. Nhưng không sao! Người lính đã hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường, khi tổ chức phân công, lại vui vẻ khoác ba lô lên đường. Em ra đi đúng vào ngày đầu năm, 1-1-1980.
Em vào đây công tác ở Phân hiệu Trường Cán bộ Kiểm sát Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau là Trường Cán bộ Kiểm sát, rồi Trường Trung cấp Kiểm sát,… và hiện nay là Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh. Em công tác ở nhà trường này đến tháng 7-2014 thì được nghỉ hưu. Nhưng, em vừa nghỉ được 90 ngày thì địa phương lại mời tham gia công tác xã hội. Thế đấy ông ạ! Là dân nhưng chưa được “hoàn dân”, người lính Cụ Hồ lại xông pha, người chiến sĩ Thành cổ lại đi tiên phong, có phải không ông? (Thư điện tử, gửi ngày 8-9-2016).
Tôi gửi bưu điện biếu anh cuốn “Cỏ lau Thành cổ” của tôi. Nhận được sách, Trần Trọng Thái nhắn tin luôn, lời lẽ vẫn của một học sinh giỏi Văn: Em đã nhận được quà của ông gửi. Em cảm ơn ông nhiều lắm. Em chúc ông vui khỏe, mãi là cây cao bóng cả cuộc đời…
PHAN QUANG