QĐND - Ngày 21-6-1925, Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, ra số đầu tiên, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo hoạt động, mở đường cho báo chí cách mạng Việt Nam hình thành và phát triển.

Trong giai đoạn 1929-1945, nhiều tờ báo cách mạng ra đời, tích cực tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, đồng hành cùng các sự kiện, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, tiêu biểu như: Báo Búa liềm, Báo Đỏ, Tạp chí Đỏ, Báo Tranh đấu, Báo Cờ Vô sản, Tạp chí Bôn-sê-vích, Báo Việt Nam độc lập, Báo Cứu quốc, Báo Cờ giải phóng và báo chí của các đoàn thể cứu quốc ở Trung ương như: Công nhân, Học sinh, Văn hóa, Tự vệ...

Sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945), hai cơ quan báo chí quan trọng ra đời, đó là: Đài Tiếng nói Việt Nam (7-9-1945) và Thông tấn xã Việt Nam (15-9-1945).

Ngày 21-4-1950, Đại hội lần thứ nhất Hội Những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam) được tổ chức tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đây là dấu mốc ra đời của Hội Nhà báo Việt Nam.

Ngày 20-10-1950, Báo Quân đội nhân dân, cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, ra số đầu tiên tại thôn Khau Diều, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Ngày 11-3-1951, Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ra số đầu tiên tại Chiến khu Việt Bắc.

Ngày 7-9-1970, Truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của báo hình ở Việt Nam.

Ngày 6-2-1997, Tạp chí Quê hương điện tử (thuộc Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài-Bộ Ngoại giao) phát hành số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của báo điện tử ở Việt Nam.

Ngày 5-2-1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định lấy ngày 21-6 hằng năm là Ngày Báo chí Việt Nam. Ngày 21-6-1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Báo chí Việt Nam.

Ngày 21-6-2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đã có hơn 400 nhà báo hy sinh trên khắp các chiến trường. Đội ngũ nhà báo, các cơ quan báo chí, thông tấn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ghi nhận những cống hiến to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng báo chí cách mạng và Hội Nhà báo Việt Nam đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2000), Huân chương Sao Vàng (năm 2010).

Hội Nhà báo Việt Nam đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng tặng bức trướng mang dòng chữ: “Báo chí Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (năm 2000) và bức trướng mang dòng chữ: “Báo chí Việt Nam trung thành, sáng tạo, bản lĩnh, đổi mới vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (2010).

BẢO NHƯ (tổng hợp)