QĐND - Cơ sở quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu giữa quân đội hai nước Việt Nam-Lào được mở đầu với sự hình thành các đội vũ trang tự vệ Việt kiều yêu nước, trong quá trình cùng các lực lượng cách mạng và nhân dân Lào chuẩn bị và tiến hành Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám 1945 thành công ở Lào. Nhận thức tầm quan trọng trong sự nghiệp cùng chống thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam và Lào lần thứ hai, ngày 30-10-1945, Chính phủ độc lập lâm thời Lào Ít-xa-la và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ký Hiệp định thành lập Liên quân Lào-Việt. Trên cơ sở pháp lý của hiệp định, những năm 1945-1947, Liên quân Lào-Việt hình thành đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương của Khu 4 (Việt Nam) sang chiến đấu, bảo vệ các thành phố, thị trấn của Lào vừa được giải phóng, tạo thuận lợi cho cách mạng Lào vượt qua khó khăn, phát triển lực lượng, đẩy mạnh kháng chiến.

Trước yêu cầu cuộc kháng chiến của Lào phát triển ngày càng cao và theo yêu cầu của bạn, trong những năm 1948-1950, một số đơn vị Quân tình nguyện của các liên khu 3, 4, 5 và 10 (Việt Nam) lần lượt được cử sang Lào giúp bạn xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng kháng chiến. Nhờ Quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ tích cực, ngày 20-1-1949, Quân đội Lào Ít-xa-la ra đời. Tiếp đó, tháng 8-1950, Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Neo Lào Ít-xa-la được thành lập. Từ đây, mọi vấn đề được lãnh đạo hai nước bàn bạc thống nhất về chủ trương, đường lối góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu của quân đội Việt-Lào phát triển quy mô lớn với trình độ mới.

Để đẩy mạnh cuộc kháng chiến, những năm 1951-1953, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Quân đội Lào Ít-xa-la và nhân dân Lào kiên cường bám trụ, chống địch càn quét, giành nhiều thắng lợi quan trọng. Đặc biệt, trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, quân chủ lực Việt Nam và Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào đã sát cánh cùng với quân và dân Lào liên tiếp mở các chiến dịch tiến công ở Trung Lào, Hạ Lào và Thượng Lào, tiêu diệt sinh lực, phân tán lực lượng cơ động của địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn của Lào; phối hợp trực tiếp với Chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân Việt Nam, giành thắng lợi oanh liệt, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ba nước Đông Dương.

Liên quân Việt - Lào trước giờ xuất trận, năm 1946. Ảnh tư liệu.

Phát huy truyền thống đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp, một lần nữa, quân đội hai nước Việt-Lào đoàn kết giúp đỡ nhau quyết tâm kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Theo yêu cầu của Chính phủ kháng chiến và Mặt trận Neo Lào Ít-xa-la, tháng 8- 1954, Bộ Quốc phòng Việt Nam cử Đoàn 100 cố vấn quân sự sang giúp quân dân Lào đấu tranh vì hòa bình, trung lập và hòa hợp dân tộc (1954-1959). Tiếp đó, những năm 1960-1968, khi Mỹ thực hiện “Chiến tranh đặc biệt” ở Lào, Bộ Quốc phòng Việt Nam lần lượt cử các Đoàn: 959, 463, 565 chuyên gia quân sự và các Đoàn: 335, 766, 866, 763, 968 Quân tình nguyện sang giúp bạn xây dựng lực lượng, chiến đấu bảo vệ căn cứ Trung ương và các khu căn cứ, vùng giải phóng của Lào.

Trên chiến trường chống kẻ thù chung, những năm 1960-1961, Quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pa-thét Lào mở một số chiến dịch tiến công địch, giải phóng các khu vực Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, Phông Xa Lỳ và một phần các tỉnh Luông Phra-băng, Nậm Thà, Khăm Muộn, Xa-vẳn-na-khệt, buộc Mỹ và chính quyền Phái hữu phải ký Hiệp định Cánh Đồng Chum (tháng 6-1962) và Hiệp định Giơ-ne-vơ về Lào (tháng 7-1962), mở ra giai đoạn đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa hai quân đội Việt-Lào phát triển lên tầm cao mới.

Từ giữa năm 1964, khi Mỹ mở rộng chiến tranh ở Lào, các đơn vị Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam phối hợp chặt chẽ với quân và dân Lào tiến công, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giành và giữ vững các vùng giải phóng. Những chiến công vang dội ở Phu Cút (1966), Cánh Đồng Chum (1967), Nam Lào (mùa khô 1967-1968); đặc biệt là chiến thắng Nậm Bạc, Pa Thí (1968) đã giáng một đòn nặng nề vào chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, khẳng định sức mạnh đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quân đội hai nước Việt-Lào ngày càng trưởng thành và vững chắc.

Kể từ năm 1969, khi Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường”, quân đội hai nước càng tăng cường đoàn kết bên nhau, kiên quyết đánh bại bước leo thang chiến tranh của Mỹ ở Lào. Thắng lợi liên tiếp của quân đội hai nước trên chiến trường Lào, nhất là trong các chiến dịch Mường Sủi (từ 23-6 đến 1-7-1969), Toàn Thắng (từ 25-10-1969 đến 25-4-1970), đã đẩy “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ vào ngõ cụt. Đầu năm 1971, quân chủ lực, Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân và dân Lào anh dũng chiến đấu, đập tan hoàn toàn cuộc hành quân Lam Sơn 719 của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn ở khu vực Đường 9-Nam Lào. Phát huy thắng lợi, các đơn vị quân Việt-Lào liên tiếp mở các Chiến dịch Cánh Đồng Chum-Mường Sủi (từ 18-12-1971 đến 6-4-1972), Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng (từ 21-5 đến 15-11-1972) và tiến công địch trên khắp các chiến trường, tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường”, buộc Mỹ và Phái hữu Lào phải ký Hiệp định Viêng Chăn (21-2-1973), lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào.

Trong quá trình học tập tại các trường sĩ quan của Việt Nam, các bạn học viên Lào và quân nhân Việt Nam luôn thể hiện tình đoàn kết, gắn bó đặc biệt. Ảnh: THÀNH NAM.

Những năm 1973-1975, theo yêu cầu của cách mạng Lào, một bộ phận Quân tình nguyện Việt Nam ở lại giúp bạn bảo vệ vùng giải phóng, chống âm mưu, thủ đoạn phá hoại hiệp định của Mỹ và chính quyền Viêng Chăn. Đến giữa năm 1975, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Quân tình nguyện Việt Nam tiến hành nhiều hoạt động hỗ trợ tích cực quân và dân Lào kết hợp “ba đòn chiến lược” với mũi “đấu tranh pháp lý”, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (2-12-1975), kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân 30 năm ở Lào.

Quá trình đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quân đội hai nước Việt-Lào trong hai cuộc kháng chiến cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn kết hợp hài hòa giữa lợi ích dân tộc và lợi ích liên minh. Kết quả liên minh bao giờ cũng đem lại thành công cho cả hai bên: Ta giúp bạn chiến đấu trưởng thành, bạn cũng giúp ta rất nhiều trong quá trình giành thắng lợi.

Sự nghiệp đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quân đội hai nước Việt-Lào đã giành thắng lợi vẻ vang. Đánh giá về thành công to lớn này, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn từng khẳng định: “Trong lịch sử của cuộc cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương trong sáng về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện như thế này”. Đó chính là một điển hình mẫu mực hiếm có về quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu giữa quân đội hai nước độc lập có chủ quyền, luôn tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, là di sản vô cùng quý báu sẽ mãi mãi được giữ gìn và tiếp tục phát triển./.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)