QĐND - “Em viết thư cho anh/ Trong làng còn lửa đỏ/ Tay viết lòng còn nhớ/ Thầy, giặc giết năm kia/ Tiếng súng bờ sông khuya/ Đến nay còn xé ruột…”

Đây là một đoạn trong bài thơ “Giữ lấy tuổi trẻ” của một cô gái có tên là Vân gửi từ hậu phương cho anh trai đang ở chiến trường Điện Biên Phủ, được đăng trên Báo Quân đội nhân dân, xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ, số ra ngày 10-3-1954. Bài thơ ôn lại những kỷ niệm đau xót của một gia đình tan nát bởi ách cai trị của thực dân Pháp. Người em gái tên Vân ở hậu phương đã tham gia du kích, nhưng vẫn lo cho anh trai ở chiến trường không chịu nổi khó khăn, gian khổ nên cô gửi thư động viên anh quyết tâm chiến đấu, đền nợ nước, trả thù nhà. Bài thơ gồm nhiều đoạn tràn ngập đau thương nhưng không hề bi lụy khi cô gái quyết chí: “Em đặt chông ngõ trước/ Em gài mìn lối sau/ Với chị em hẹn nhau/ Giữ vẹn tròn tuổi trẻ/ Mai sau đàn con bé/ Nhất định sẽ ra đời/ Chúng nó sẽ reo cười/ Khắp quê hương tươi tốt”.

Đọc 33 số Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận, điều mà chúng tôi tâm đắc là trong điều kiện khắc nghiệt của chiến trường, trong khuôn khổ hạn hẹp của trang báo, nhưng Ban biên tập đã dành một diện tích xứng đáng trong mỗi số để đề cập đến những vấn đề của tuổi trẻ. Những lá thư từ hậu phương gửi ra tiền tuyến được bộ đội đặc biệt quan tâm, coi đó là “món ăn” tinh thần không thể thiếu. Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân ở tiền phương đã nắm bắt được nhu cầu này, thường xuyên có tin, bài điểm những lá thư hay mà người nhận sẵn lòng chia sẻ với đồng đội.

Trong số báo ra ngày 19-4-1954, báo đã điểm lá thư của em Vũ Thị Sương, 12 tuổi, ở ngay Điện Biên chạy tản cư, gửi các chiến sĩ Điện Biên: “Các anh ơi! Giặc Pháp nhảy dù Điện Biên Phủ đã bắn chết thầy em là tự vệ phố và bắt mẹ em về trại tập trung. Lúc nào em cũng mong chờ các anh giết hết giặc”. Rồi thư của chị An, một cán bộ vận động quần chúng gửi chung cho bộ đội Điện Biên Phủ: “Đã hai tháng nay không có một cái máy bay nào về quấy rối nhân dân hậu phương. Đợt phát động giảm tô và cải cách ruộng đất ở Thái Nguyên chả có chiếc máy bay nào quấy rối. Nông dân thích lắm, bảo đó là bộ đội Điện Biên Phủ đã giúp phần đấu tranh thắng lợi. Đường sá trong làng, ngoài tỉnh được sửa sang rất đẹp. Phụ nữ, thanh niên đi dân công vui như hội. Như thế thì không nghĩ đến các đồng chí ở Điện Biên Phủ sao được”.

Thư đi thì phải có thư lại. Những bài thơ, ý kiến bộ đội khi đọc thư hậu phương cũng được phản ánh sinh động, hấp dẫn trên tờ báo chiến trường. Trong số ra ngày 23-4-1954, bài thơ “Đọc thư hậu phương”, chiến sĩ Xuân Thủ viết: “Đọc thư trên trận địa/ Anh đội viên nghĩ gì?/ Mà anh đang ngắm nghía/ Vuốt vuốt cái lưỡi lê/ Mà anh đang mân mê/ Viên đạn đồng nhẵn bóng/ Mà anh đang ngắm súng/ Như ngắm một người yêu/ Vì anh đang nghĩ nhiều/ Đến bao người yêu dấu/ Mà anh đang chiến đấu/ Để giữ trọn đời đời/ Một cuộc sống vui tươi/ Anh hằng tha thiết nhất”.

Nhà báo lão thành Nguyễn Thế Trường, nguyên bộ đội cao xạ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tâm sự: Ở chiến trường khi đó, mỗi khi có Báo Quân đội nhân dân là bộ đội tổ chức đọc ngay. Nếu như các bài xã luận, chính luận giúp chiến sĩ hiểu rõ tình hình, cục diện chiến trường để xây dựng quyết tâm chiến đấu, thì những chuyên mục nhỏ như: Thơ, tiểu phẩm, thư hậu phương lại là món ăn tinh thần cổ vũ, động viên bộ đội rất lớn lao. Nhiều chiến sĩ Điện Biên đã cất giữ những mẩu báo, bài báo xuất bản tại chiến trường để mang theo đọc trên những chặng đường hành quân sau này.

Có lẽ, vấn đề tâm lý tuổi trẻ, có chuyên trang, chuyên mục cho giới trẻ luôn là vấn đề quan trọng mà bất kỳ tờ báo nào cũng cần quan tâm, chú trọng.

 

HỒ QUANG