QĐND - Thời kỳ Bắc thuộc, Điện Biên thuộc huyện Lâm Tây, quận Tân Hưng. Đời Lý, đất Điện Biên nằm trong hạt châu Lâm Tây. Đời Trần, nước ta có 15 lộ Điện Biên thuộc lộ Đà Giang, cuối Trần là trấn Thiên Hưng; thời Minh lại chia làm 2 châu Gia Hưng và Quy Hóa. Sang tới thế kỷ 15 (năm 1463), trấn Hưng Hóa được thành lập (bao gồm ba phủ: Quý Hóa, Gia Hưng, An Tây). Năm 1831, Minh Mạng đổi thành tỉnh Hưng Hóa, tỉnh lỵ đặt ở thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông (nay thuộc Phú Thọ).

Tên gọi Điện Biên do Thiệu Trị đặt năm 1841 từ châu Ninh Biên. Điện nghĩa là vững chãi, Biên nghĩa là vùng biên giới, biên ải. Điện Biên tức là miền biên cương vững chãi của Tổ quốc, phủ Điện Biên (tức Điện Biên phủ) thời Thiệu Trị gồm 3 châu: Ninh Biên (do phủ kiêm lý, tức là tri phủ kiêm quản lý châu), Tuần Giáo và Lai Châu. Tên gọi Điện Biên hay Điện Biên Phủ xuất hiện từ đó.

Từ thị trấn, đến thành phố

Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên được giải phóng. Trụ sở các cơ quan của huyện Điện Biên đặt ở thị trấn Điện Biên Phủ. Tháng 4-1992, theo Quyết định số 130/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, thị xã Điện Biên Phủ được quy hoạch bao gồm thị trấn Điện Biên và 2 xã Thanh Minh và Noong Bua của huyện Điện Biên cũ. Tháng 9-2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2003/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Điện Biên Phủ, điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng và thành lập các phường thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu. Thành phố Điện Biên Phủ có 6.009,05ha diện tích tự nhiên và 70.639 nhân khẩu, có 8 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các phường: Mường Thanh, Tân Thanh, Him Lam, Thanh Bình, Nam Thanh, Thanh Trường, Noong Bua và xã Thanh Minh.

Bộ đội Biên phòng Đồn Biên phòng  317 A Pa Chải dẫn du khách đến thăm cột mốc số 0. Ảnh: Hoàng Trường

 

Miền cực Tây của Tổ quốc

Điện Biên là tỉnh miền núi cực Tây của Tổ quốc và là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Trung Quốc và Lào, trong đó biên giới với Lào dài 360km và biên giới với Trung Quốc dài 38,5km.

Mốc số 0 nằm trên đỉnh núi Khoan La San cao 1.862,26m so với mực nước biển thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, là điểm cực Tây của Tổ quốc, nơi phân định ranh giới ba nước Việt Nam-Lào-Trung Quốc, nơi “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”. Đây cũng là điểm khởi đầu để xác định đường biên, phân định rõ ranh giới của ba nước Việt Nam-Lào-Trung Quốc. Mốc số 0 là mốc đại, làm bằng đá hoa cương, có chiều cao 2m, hình khối tam giác đặt trên trụ hình lục lăng với ba mặt quay về hướng ba quốc gia Việt Nam-Lào-Trung Quốc. Trên mỗi mặt có hình Quốc huy của quốc gia đó, tên quốc gia bằng chữ viết riêng và năm đặt cột mốc - năm 2005.

PHÚ QUÝ