Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT đã báo cáo về 3 vấn đề: Tình hình sản xuất kinh doanh năm 2018, tái cơ cấu lại tập đoàn và cổ phần hóa tập đoàn. Trong quá trình tái cơ cấu, VNPT đã xây dựng cơ chế tạo động lực cho người lao động; triển khai thống nhất, đồng bộ hệ thống lương 3Ps và các chỉ tiêu đánh giá BSC/KPI (hệ thống đánh giá về nhân sự, công việc), để từ đó tạo động lực thúc đẩy người lao động nâng cao hiệu quả công việc và năng suất lao động. Thu nhập bình quân của người lao động năm 2018 khoảng 28 triệu đồng/tháng.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Năm 2019, VNPT tiếp tục triển khai sắp xếp cơ cấu tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh theo phương án cơ cấu lại Tập đoàn VNPT giai đoạn 2018-2020 và Chiến lược VNPT4.0; triển khai các công việc chuẩn bị cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng lợi nhuận, đột phá về năng lực cạnh tranh; xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp với định hướng chuyển đổi số. Cũng tại buổi làm việc, Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long đã đề xuất Chính phủ và các bộ ngành cho phép VNPT triển khai dịch vụ MobiMoney (dịch vụ kết nối khách hàng về tài chính qua mạng di động); hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ thành lập Công ty Đầu tư quốc tế VNPT (VNPTGlobal)...

Quang cảnh buổi làm việc.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả mà Tập đoàn VNPT đạt được trong năm vừa qua đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước trong năm 2018. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, gần 5 năm thực hiện tái cơ cấu, VNPT đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, năm 2018 doanh thu đạt gần 155.000 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 25% so với thực hiện năm 2017, tốc độ tăng trưởng 25,3%, thu nhập bình quân của người lao động lên đến 28 triệu đồng/tháng. Đây là những con số rất ấn tượng. Vấn đề quan trọng là trong bối cảnh vừa thực hiện tái cơ cấu, vừa chịu sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, VNPT đã bước dần thể hiện vai trò tiên phong dẫn dắt trong xây dựng Chính phủ điện tử, tham gia tích cực trong việc thiết lập nền tảng hạ tầng số, thúc đẩy chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, đô thị thông minh… 

“Chính phủ đánh giá VNPT cơ bản đã thực hiện được vai trò dẫn dắt và đi tiên phong trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; là một trong số ít tập đoàn xây dựng được chiến lược VNPT 4.0. Sau giai đoạn chuyển mình, VNPT dần trở lại như trước đây”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết. 

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tặng quà cán bộ, nhân viên Tập đoàn VNPT.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, VNPT là một trong những nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ truyền thông, viễn thông, sứ mệnh và tầm nhìn của VNPT trong thời gian tới là phải trở thành nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ số tại Việt Nam vào năm 2025, trung tâm giao dịch số tại Đông Nam Á và châu Á vào năm 2030. 

VNPT cần phát triển hệ sinh thái cho phát triển công nghệ 4.0 và công nghệ số trên 3 trụ cột là hạ tầng số, tài nguyên số và chính sách chuyển đổi số. VNPT phải là tập đoàn tiên phong trong việc tạo ra hệ sinh thái cho việc chuyển đổi số tại Việt Nam, bao gồm phát triển hạ tầng số, hạ tầng cung ứng mạng lưới viễn thông, trong đó có việc phát triển công nghệ 5G ngay trong 2019, giúp Chính phủ tạo tài nguyên số, thiết kế các chính sách chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, các chính sách đầu tư cho công dân số, an toàn thông tin, chủ quyền số và sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực này… 

VNPT cùng với các bộ, ngành, địa phương giúp Chính phủ hoàn thiện khung kiến trúc số, xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu, phân tích và chủ động đề xuất một số mô hình chuẩn trong việc chuyển đổi số, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, chuẩn bị tốt các điều kiện để IPO công ty mẹ VNPT vào cuối năm 2019 một cách cẩn trọng nhất, toàn diện, đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm và đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước.

Tin, ảnh: VĂN PHONG