Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2022 do Bộ GD-ĐT tổ chức; Báo Giáo dục và Thời đại được giao là đơn vị thường trực, tổ chức thực hiện.

Cuộc thi ghi nhận, tôn vinh những thầy giáo, cô giáo có thành tích, việc làm tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy học, giáo dục học sinh; lan tỏa những tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh đối với thầy cô, mái trường.

 Ban tổ chức trao giải Nhất cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải.

Được tổ chức từ năm 2011 với tên gọi “Những kỷ niệm sâu sắc về giáo viên chủ nhiệm và công tác chủ nhiệm lớp”, bắt đầu từ 2018, Cuộc thi mang tên “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” và được tổ chức thường niên. Năm nay, cuộc thi đã nhận được hơn 60.000 tác phẩm gửi dự thi. Ban giám khảo đã chọn ra 14 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Trong đó 1 giải nhất được trao cho tác giả Nguyễn Thị Liên, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị. Ban tổ chức cũng trao 2 giải nhì, 3 giải ba và 8 giải khuyến khích. Ngoài ra, hai đơn vị có số lượng bài dự thi lớn, đạt chất lượng tốt được trao giải tập thể và 2 giải thưởng phụ được trao cho tác giả nhỏ tuổi dự thi.

Ban tổ chức trao giải Nhì cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải. 
Ban tổ chức trao giải Ba cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải. 
 Ban tổ chức trao giải Khuyến khích cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải.

Ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết: Các tác phẩm dự thi tập trung vào những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường. Những tình huống sư phạm tiêu biểu, điển hình và cách giải quyết các tình huống ấy của thầy cô giáo mà tác giả đã từng gặp hoặc trải qua, thể hiện năng lực nghề nghiệp, khả năng sáng tạo cũng như tình cảm của thầy cô giáo đối với học sinh, đối với nghề.

Phó trưởng ban Giám khảo chung khảo cuộc thi, ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam chia sẻ: "Số lượng bài thi nhiều, tình huống sư phạm được tiếp cận đa diện, đa chiều, cách thể hiện ngôn ngữ văn phong độc đáo, những câu chuyện rất đẹp, rất hồn hậu được nối dài và hiện lên như một bản tình ca mang nhiều cảm xúc về người, về nghề... Do đó, các tác giả có phẩm tham dự dù được giải hay không được giải không quan trọng. Quan trọng là ban tổ chức đã tạo cơ hội cho họ nói lên tình cảm, lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ với thầy cô - thần tượng của chính họ".

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết cuộc thi có thể đổi mới hơn để lan tỏa sâu rộng và ngày càng chất lượng hơn. Ngoài ra, Ban tổ chức đề xuất cơ cấu số lượng giải thưởng phù hợp.

 Trao giải thưởng phụ dành cho tác giả nhỏ tuổi.
Trao giải tập thể cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang và Quảng Trị có số lượng bài dự thi đông và đạt chất lượng tốt.

Giá trị giải thưởng

- Giải Nhất: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và 10.000.000 đồng/giải;

- Giải Nhì: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và 8.000.000 đồng/giải;

- Giải Ba: Giấy chứng nhận giải thưởng Cuộc thi do Bộ GD-ĐT cấp và 6.000.000 đồng/giải;

- Giải Khuyến khích: Giấy chứng nhận giải thưởng Cuộc thi do Bộ GD-ĐT cấp và 3.000.000 đồng/giải.

- Giải tập thể: Giấy chứng nhận do Bộ GD-ĐT cấp và 5.000.000 đồng/giải.

- Giải thưởng phụ: Giấy chứng nhận do Bộ GD-ĐT cấp và 2.000.000 đồng/giải.

Tin, ảnh: KHÁNH HÀ