Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết: Các dịch vụ và hoạt động logistics đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Các hoạt động và dịch vụ logistics là cầu nối đưa hàng hóa đến các thị trường theo đúng yêu cầu về thời gian và địa điểm. Do đó, với sự hỗ trợ của dịch vụ logistics, quyền lực của nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã vượt ra khỏi biên giới địa lý của nhiều quốc gia.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo. 

Với tổng diện tích khoảng hơn 24.300 km2, kết nối bằng mạng lưới hạ tầng giao thông thuận lợi, Vùng Thủ đô gồm 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên được xác định sẽ trở thành vùng kinh tế tổng hợp lớn của Việt Nam.

Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của các tỉnh, thành phố Vùng Thủ đô đạt mức cao hơn mức bình quân chung cả nước, trong đó có 2 tỉnh thuộc top 5 tỉnh, thành có mức tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước. Các tỉnh, thành của Vùng Thủ đô đang đóng góp phần quan trọng trong tăng trưởng, phát triển thương mại và thặng dư cán cân thương mại của cả nước. Đây là tiền đề và cũng là điều kiện quan trọng thúc đẩy phát triển logistics của Vùng và kết nối trong Vùng, ngoài Vùng.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội thảo.

Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đề xuất, thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics trên địa bàn và trong cả nước, với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế. Khuyến khích, thu hút các nhà cung cấp dịch vụ logistics lớn trên thế giới và các doanh nghiệp logistics trong nước đặt trụ sở, chi nhánh và văn phòng giao dịch tại vùng. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực logistics để sẵn sàng thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

TS Trịnh Thị Thanh Thuỷ, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng: Thực hiện chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực logistics Vùng Thủ đô là điều tất yếu. Trong bối cảnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thực thi các cam kết FTA và cam kết quốc tế liên quan khác, đòi hỏi chuyển đổi số lĩnh vực logistics phải thực hiện ở tất cả các khâu của chuỗi cung ứng đồng thời với chuyển đổi kép trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, nhất là trong thương mại điện tử ở cả các cấp độ của quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Tin, ảnh: LA DUY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.