Khi “con chung” nhưng "khác nhà"

Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã sáp nhập 280 điểm lẻ ở cả 3 cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) để học sinh được học tập trong điều kiện tốt hơn. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh vẫn còn 1.260 phòng học tạm, mượn; gần 3.780 phòng học cấp 4 xuống cấp.

Tại huyện Quỳnh Lưu, người dân phản ảnh việc sáp nhập trường gây khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất; việc lãnh đạo của địa phương đối với công tác giáo dục thiếu đồng bộ, kịp thời. Trường Trung học cơ sở (THCS) Bá Ngọc được hình thành từ việc sáp nhập hai trường THCS Quỳnh Ngọc và THCS Quỳnh Bá (huyện Quỳnh Lưu) từ năm 2010. Trung bình mỗi lớp có 40-45 em học sinh. Các phòng học được xây dựng từ năm 1995, diện tích nhỏ. Thầy Lê Minh Thống, Hiệu trưởng Trường THCS Bá Ngọc chia sẻ: “Năm 2007, Trường THCS Quỳnh Bá được công nhận chuẩn quốc gia nhưng hiện nay không được công nhận lại do các tiêu chí cơ sở hạ tầng và vật chất không đạt. Nguyên nhân chính là do sáp nhập trường, việc đầu tư cơ sở hạ tầng và vật chất chưa tập trung”.

Trường THCS Bá Ngọc (huyện Quỳnh Lưu) sáp nhập từ năm 2010 nhưng vẫn học ở hai điểm trường. Ảnh: HOA LÊ.

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 259 trường tiểu học, 143 trường THCS, 8 trường liên cấp tiểu học và THCS. Theo đánh giá của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, hệ thống trường học mầm non, tiểu học và THCS của tỉnh còn manh mún, chồng chéo. Nhiều trường quy mô nhỏ, dưới 16 lớp đã được sáp nhập nhưng việc dạy-học vẫn tiến hành ở hai điểm trường. Tình trạng “con chung” nhưng "khác nhà" nảy sinh những khó khăn trong công tác quản lý. Trường THCS Sơn Hà (huyện Cẩm Xuyên) là một ví dụ. 10 năm nay, trên danh nghĩa học sinh Trường THCS Cẩm Hà và THCS Cẩm Sơn được sáp nhập thành Trường THCS Sơn Hà nhưng thực tế học sinh xã nào vẫn học ở xã đó. Thầy giáo Nguyễn Công Hợp, Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Hà cho biết: “Đã có dự án xây dựng trường để các em được học tập tập trung, nhưng chưa triển khai nên hiện nhà trường vẫn duy trì việc dạy-học tại hai cơ sở. Nhà trường phải phân công giáo viên giảng dạy một cách hợp lý, hết tiết ở điểm trường này lại đến điểm trường khác”.

Chủ trương đúng nhưng cần thận trọng

Ở một số địa phương, do việc tuyên truyền chưa hiệu quả, dẫn đến nhiều phụ huynh cho rằng con em phải đi học xa, mất an toàn… nên chưa đồng thuận với việc sáp nhập trường hoặc không muốn con em đến học tại điểm trường chính thuộc địa bàn xã khác.

Tại huyện Thanh Chương (Nghệ An), chủ trương sáp nhập hai trường THCS Thanh Long và Thanh Hà thành Trường THCS Long Hà đang gây ra những phản ứng trái chiều. Thầy Nguyễn Đình Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Hà nói: “Theo lộ trình, trường sẽ được sáp nhập trong năm học 2018-2019. Tuy nhiên, qua thăm dò, lấy ý kiến của giáo viên và phụ huynh học sinh thì không nhận được sự đồng thuận. Nguyên nhân là do địa bàn rừng núi, cách trở, việc đi học cũng như quản lý con em sẽ khó khăn. Phụ huynh và giáo viên đề nghị sáp nhập trường tiểu học và THCS trong từng xã với nhau sẽ hợp lý hơn”. 

Vừa qua, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) đã sáp nhập 8 trường học của 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn 4 xã: Khánh Lộc, Vĩnh Lộc, Trường Lộc, Song Lộc thành 4 trường. Theo đó, trường mầm non, tiểu học, THCS xã Song Lộc sáp nhập với các trường của xã Trường Lộc; trường của xã Khánh Lộc sáp nhập với trường của xã Vĩnh Lộc. Các điểm trường vẫn giữ nguyên, bước đầu chỉ sắp xếp bộ máy để điều hành. Với mô hình sáp nhập nhưng vẫn học ở các điểm trường riêng, nảy sinh những bất cập, khó khăn trong quản lý và đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học trong tương lai. Thầy Võ Đức Đại, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Can Lộc nói: “Chúng tôi lựa chọn phương án sáp nhập trường cùng cấp để phát triển quy mô trường lớp, thuận lợi trong hỗ trợ chuyên môn, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Trước mắt, các địa phương sẽ tập trung tuyên truyền lợi ích khi sáp nhập cho phụ huynh, học sinh; đồng thời, chú trọng việc tạo mối đoàn kết cho các thầy giáo, cô giáo, tổ chức nhân sự hợp lý ở các trường”.

Chủ trương sáp nhập, tinh gọn hệ thống trường học của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là đúng đắn. Tuy nhiên, các địa phương cần tùy theo tình hình thực tế để linh động trong lựa chọn phương án sáp nhập; các ban ngành liên quan cần phối hợp để tuyên truyền, giải thích rõ những thuận lợi, khó khăn khi tiến hành sáp nhập trường cho người dân; tính toán phương án tổ chức học tập sau khi sáp nhập cho hợp lý... Việc sáp nhập trường học cần thực hiện đúng bản chất, chấm dứt tình trạng trường "là một nhưng vẫn là hai", gây khó khăn cho công tác quản lý và đầu tư cơ sở hạ tầng...

HOÀNG HOA LÊ