Xu thế tất yếu của thương mại thế giới

Các phương thức thanh toán giao dịch qua điện thoại hay còn gọi là thanh toán di động, ví điện tử, tiền số quốc gia, hay hình thức thanh toán bằng quét mã QR code đang là trào lưu nổi bật trên toàn thế giới bởi các tính nắng đơn giản, nhanh gọn và an toàn. Nó đang là xu thế mới của thương mại thế giới.

Các giao dịch số được dự đoán sẽ đạt doanh thu nhiều tỷ USD trong tương lai. Tuy nhiên, thực tế quá trình phát triển của phương thức thanh toán này vẫn còn đang ở những bước đầu tiên để mở ra trào lưu rộng rãi thu hút nhiều người tham gia, từng bước thay thế giao dịch tiền giấy ở nhiều quốc gia. Thực tế cho thấy, những nước phát triển thanh toán điện tử là những nước có trình độ phát triển cao, có hạ tầng cơ sở và hệ thống pháp luật chặt chẽ. Hình mẫu thanh toán của các nước này đang được nhiều quốc gia học tập.

Singapore sẽ chính thức thống nhất hệ thống QR duy nhất có tên SGQR trong thanh toán kể từ đầu năm 2019. Ảnh: Channel NewsAsia.

Mới đây nhất, Ấn Độ cũng rục rịch tạo ra đồng tiền số (Central bank digital currency – CBDC) của riêng mình. Ngoài Ấn Độ, nước Nga và nhiều quốc gia khác cũng đã nghĩ tới việc tạo ra một đồng tiền số của quốc gia. Cách đây một năm, Tổng thống Nga V.Putin cũng đưa ra ý tưởng tạo ra đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình. Trong khi đó, một số nước Mỹ Latinh, châu Á cũng muốn có đồng tiền số và gia tăng xu thế thương mại điện tử, thanh toán điện tử. Xu thế này đang từng bước "khai tử" tiền giấy trong lưu thông.

Tại hội nghị quy tụ nhiều tên tuổi trong ngành công nghiệp Blockchain thế giới mang tên Deconomy ở Seoul, Hàn Quốc mới đây, ông Antony Lewis, Giám đốc Nghiên cứu và chiến lược của R3 (một công ty tập trung vào các dịch vụ tài chính điện tử của tương lai) đã nhấn mạnh rằng "tạo ra đồng tiền số quản lý bởi các ngân hàng trung ương" sẽ là một trào lưu của năm 2018 và các năm tiếp sau.

Dự báo trên quả không sai khi nhìn vào một trong những thị trường thanh toán điện tử lớn nhất thế giới – Trung Quốc. Trung Quốc được xem là quốc gia đầu tiên trên thế giới có thể tiến tới một xã hội hoàn toàn không dùng tiền mặt.Thanh toán qua các ứng dụng trên điện thoại di động như WeChat Pay và Alipay...hiện đã chiếm hơn 80% phân khúc thanh toán di động của quốc gia này. Hiệp hội mạng Internet Trung Quốc ngày 19-7-2018 công bố báo cáo cho thấy sự mở rộng nhanh chóng về số lượng người sử dụng điện thoại di động để thanh toán. Theo báo cáo trên, tính đến cuối năm 2017, đã có 772 triệu người sử dụng mạng Internet ở Trung Quốc và 97,5% trong số đó là những người sử dụng Internet di động. Thanh toán không dùng tiền mặt mà thanh toán thông qua di động của quốc gia này tiếp tục đạt tới kỷ lục mới với 12.800 tỷ USD (theo số liệu từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc).

Các giao dịch không sử dụng tiền mặt đang phát triển nhanh chóng tại khu vực Đông Nam Á. Trong năm 2016, giao dịch không sử dụng tiền mặt ở các nền kinh tế mới nổi khu vực châu Á đã tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2017. Theo Statista, thanh toán kỹ thuật số ở châu Á hàng năm sẽ tăng ở mức 16,4% và dự báo đạt 2,5 nghìn tỷ USD vào năm 2022, ước tính sẽ chiếm gần 50% tổng số giao dịch  toàn cầu là 5,4 nghìn tỷ USD.

Các thông số thống kê từ Google cho thấy thị trường Đông Nam Á hiện có tới 260 triệu người dùng Internet, chủ yếu nằm ở 6 nước Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 480 triệu vào năm 2020. Rõ ràng Đông Nam Á và Ấn Độ là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển công nghệ mới. Ngoài ra, với đặc thù người dùng Đông Nam Á chủ yếu sử dụng Internet trên các thiết bị di động, càng khiến cho thị trường này thêm hấp dẫn các nhà đầu tư công nghệ mới.

Trong khi đó, tại "Lục địa đen", người tiêu dùng Nam Phi sắp trở thành những khách hàng đầu tiên của châu Phi có thể thanh toán hóa đơn, mua hàng trực tuyến hay đặt vé máy bay trên WhatsApp.

Singapore  - Một hình mẫu từ Đông Nam Á

Tại Đông Nam Á, Singapore – nước có nền tảng công nghệ tiên tiến đang tiến gần đến việc thanh toán điện tử. Singapore đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để tiến đến việc thanh toán điện tử với công nghệ nhận diện mã trả lời nhanh (viết tắt là SGQR). Theo đó, Singapore sẽ chính thức thống nhất hệ thống QR duy nhất có tên Singapore Quick Response Code (SGQR) trong thanh toán kể từ đầu năm 2019 và là hệ thống mã QR thống nhất đầu tiên trên thế giới nhằm giúp đơn giản hóa thanh toán điện tử cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Sự kiện này đánh dấu bước mới nhất trong nỗ lực của chính phủ Singapore trong việc hạn chế thanh toán không dùng tiền mặt. 

Thanh toán điện tử ngày càng trở lên phổ biến. Ảnh: ZDNet.

Trong một thông cáo phát đi ngày 17-9-2018, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) và Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm (IMDA) cho biết SGQR sẽ được dùng trong 27 chương trình thanh toán. Điểm ưu việt của SGQR là tối ưu hóa số lượng các chương trình thanh toán điện tử mà nó chứa bằng cách nâng cao hiệu quả xử lý dữ liệu liên quan đến thương nhân, xây dựng trên các thông số mã QR được sử dụng trên phạm vi quốc tế. Trước mắt, khoảng 19.000 mã QR sẽ được thay thế bằng nhãn SGQR từ cuối tháng 9-2018, với hơn 1.000 điểm bán hàng ở các Khu thương mại trung tâm. Việc thay thế dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay để chính thức thống nhất kể từ đầu năm 2019. 

Theo các cơ quan chức năng, hệ thống QR Code được đánh giá cao về độ chính xác và đã được áp dụng khá phổ biến trên thế giới bởi nó đáp ứng được tiêu chí "đơn giản, nhanh chóng và an toàn", nhất là trong bối ảnh sự đơn giản và tốc độ thanh toán điện tử được xác định là một trong những thách thức quan trọng cản trở việc áp dụng các tùy chọn thanh toán điện tử tại Singapore. Vì vậy, với một mã QR quy nhất, người tiêu dùng vẫn có thể linh hoạt trong việc lựa chọn cách thức nạp tiền là ví điện tử hay thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ. 

Giới phân tích cho rằng việc tiêu chuẩn hóa các tiêu chuẩn mã QR cho phép người tiêu dùng tự do hơn trong việc lựa chọn nền tảng thanh toán, từ đó phổ cập thanh toán điện tử tại Singapore-một quốc gia vốn được biết tới là "ưa thích thanh toán tiền mặt". Đến nay, 40.000 doanh nghiệp tại đây đã đăng ký hình thức này.

Vẫn còn băn khoăn và thách thức

Tuy thuận tiện như vậy, nhưng vẫn còn đó băn khoăn, khúc mắc trong quá trình thanh toán điện tử là vấn đề liên quan đến các quy định. Đây là một trong những rào cản khiến thanh toán điện tử vẫn bị hạn chế. Tháng 7 vừa qua, Singapore chấn động khi SingHealth, tổ chức y tế lớn nhất của Singapore, trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công mạng, gây ra việc thất thoát thông tin khách hàng. Để khắc phục điều này, cơ quan chức năng Singapore hiện đang xây dựng một bộ hướng dẫn về bảo vệ người dùng thanh toán điện tử. Theo đó, các tổ chức tài chính được dự kiến sẽ cung cấp thông báo kịp thời cho người dùng khi thanh toán được giao dịch. Điều này sẽ cho phép người dùng nhận được thông báo nếu một giao dịch trái phép xảy ra. Các hướng dẫn cũng phân bổ trách nhiệm pháp lý cho các tổn thất do giao dịch trái phép, cũng như cung cấp phương pháp để sửa lỗi nếu người dùng gửi tiền cho người nhận sai.

Jacqueline Loh, chuyên gia tài chính Singapore cho biết Dự luật Thanh toán Dịch vụ (PSB) đang được cân nhắc sẽ giúp kiểm soát hoạt động trong ngành thanh toán. PSB mở rộng phạm vi điều chỉnh để bao quát cả các khoản thanh toán điện tử, đồng thời đề ra quy định phù hợp để xử lý những rủi ro mà các hoạt động này có thể tạo ra. Bà Jacqueline Loh cho biết thêm, một rủi ro khác trong quá trình thanh toán điện tử là nạn rửa tiền và tài trợ cho các hoạt động khủng bố. Bà nói: “Trong trường hợp này, bên cạnh việc nắm rõ thông tin khách hàng, chúng tôi cho phép duy trì các ví nhỏ hơn với hạn mức không quá 1.000 đô la Singapore (tương đương 730 USD) để thực hiện các yêu cầu giao dịch đơn giản. Hạn mức này cũng tương tự như hạn mức được sử dụng ở Hong Kong, Ấn Độ, Australia và Anh”.

Singapore cũng đang xem xét thực hiện thương mại điện tử xuyên biên giới. Đến năm 2020, hình thức giao dịch này được kỳ vọng sẽ gia tăng 25% mỗi năm, gần gấp đôi so với thương mại điện tử trong nước. Tiến trình này có thể chậm hơn vì mỗi quốc gia đang ở giai đoạn phát triển khác nhau về giao diện kỹ thuật, khung pháp lý và quy định luật pháp./.

NGUYỄN HÒA