Tôi rảo bước lên tầng hai vào lớp 9A1, lớp mình chủ nhiệm. Lớp trưởng Toàn và mấy bạn đứng ngăn hai khuôn mặt đỏ au đang gườm gườm nhìn nhau. Hít một hơi dài, tôi điềm tĩnh bảo: “Toàn và các em cứ ra sân chơi đi để cô nói chuyện với hai bạn một chút!”. Nghe lời tôi, các em tản đi... Câu chuyện cũng chẳng có gì, chỉ là lúc ra chơi, Tiến từ bàn dưới đi lên trong lúc Huy lúi húi cúi xuống cất vở vào ngăn bàn, chân thò ra ngoài nên Tiến vấp phải suýt ngã. Cậu ta tức mình bợp tai Huy một cái, Huy thụi trả vào bụng Tiến và thế là hai “chú gà chọi” xông vào nhau... Nghe xong, tôi nhắc: “Cô không đồng ý như thế đâu! Giờ hai em về chỗ ngồi, nghĩ về cô, về lớp và về cách phản ứng của mình hôm nay. Hết tiết 5, cô sẽ nghe hai em nói!”. Bình tĩnh rời đi, tôi yên tâm rằng Tiến và Huy sẽ nghiêm túc kiểm điểm lại mình, bởi vì lâu nay tôi đã xây dựng được mối quan hệ tình cảm tin cậy thầy-trò không chỉ ở lớp tôi chủ nhiệm mà còn cả ở các lớp tôi dạy bộ môn nữa. Tôi đã nói đúng, làm đúng với câu “thần chú”: “Cô không đồng ý như thế đâu!” mà năm xưa cô giáo chủ nhiệm của tôi thường nói khi lớp có “sự cố”.

leftcenterrightdel

 Cô Nguyễn Ngọc Anh cùng học sinh Trường THPT chuyên Hưng Yên dự Lễ trao học bổng VALLET, tháng 9-2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

 Ảnh: THÁI THANH. 

Tôi nhớ tới cô Nguyễn Ngọc Anh, giáo viên chủ nhiệm hồi tôi học lớp 9 Trường THCS Nguyễn Quốc Ân (TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên), cách đây gần 30 năm. Tôi không bao giờ quên công ơn cô dạy dỗ, giúp tôi có được ngày hôm nay. Với tình yêu thương của người mẹ, cô có nghệ thuật quản lý, thuyết phục lũ “trẻ trâu” tuổi nổi loạn chúng tôi dần vào nếp kỷ luật, chăm ngoan. Trước bất kỳ lỗi lớn, lỗi nhỏ nào của trò, cô chỉ bình tĩnh, nghiêm mà hiền, nói: “Cô không đồng ý như thế đâu!”. Cô chẳng bao giờ nóng giận, lớn tiếng trách mắng học trò mà chỉ nói mỗi câu “thần chú” vậy, rồi từ từ hỏi han, phân tích, khuyên nhủ các trò với thái độ tin yêu. Cô Ngọc Anh đã trở thành hình tượng, thành đích đến trong mơ ước tương lai của lũ chúng tôi. Giờ đây trở thành giáo viên, tôi lại vận dụng tất cả bài học kinh nghiệm trong giảng dạy, trong chủ nhiệm lớp của cô để từng bước trưởng thành.

Hiện cô Nguyễn Ngọc Anh đã là một giáo viên giỏi cấp tỉnh, trình độ thạc sĩ, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hưng Yên. Ngoài công tác quản lý, cô vẫn trực tiếp đứng lớp một số tiết Hóa học và luyện thi đội tuyển học sinh giỏi môn Hóa cho trường, cho tỉnh tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia và quốc tế.

Đáng quý hơn cả là sự lắng nghe, chia sẻ và cảm thông sâu sắc mà cô dành cho đồng nghiệp. Cô luôn chân thành, nhiệt tình bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp, nhất là những giáo viên trẻ, mới vào nghề. Cô động viên, khích lệ, trao cho giáo viên những lời góp ý chân thành cả về chuyên môn lẫn phương pháp sư phạm. Đó không đơn giản là quan hệ lãnh đạo với cấp dưới mà là tình bạn, tình đồng chí, tình anh chị em thân thiết. Với tác phong giản dị, yêu thương và luôn giúp đỡ đồng nghiệp chân tình, anh chị em cán bộ, giáo viên đều quý mến cô bởi không chỉ là nhà quản lý giỏi, có bề dày trong chuyên môn mà cô còn là mắt xích chắc chắn kết nối sức mạnh đoàn kết trong nhà trường.

Mỗi lần nhớ về cô Ngọc Anh, tôi hay tự hỏi: Nếu không được làm học sinh của cô năm ấy, liệu mình có thể trở thành một người giáo viên như bây giờ? Phải chăng cô chính là ngọn đuốc sáng soi đường cho mình đi trên con đường học vấn đầy gian khổ, vượt qua những cám dỗ, thách thức lứa tuổi “nổi loạn” thường gặp để trở thành học sinh khá, giỏi, chăm ngoan, thành cô giáo đứng trên bục giảng như cô giáo chủ nhiệm năm xưa?

NGÔ HƯƠNG (giáo viên Trường THCS Lê Lợi, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên)