Hệ thống giáo dục quốc dân hoàn thiện theo hướng mở
Sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, việc tổng kết là cơ hội quý giá giúp ngành Giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung nhìn lại tổng thể kết quả đã đạt được trong 10 năm qua và xác định những nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới.
 |
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. |
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (Nghị quyết 29) đến nay các thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho đổi mới giáo dục và đào tạo. Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc khẳng định giáo dục và đào tạo cả nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là: Công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết 29 ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo còn hạn chế; cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa được tham gia nhiều trong việc thẩm định, phân bổ kinh phí và tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn...
Cần đầu tư cơ sở vật chất, chính sách cho nhà giáo
Sau 10 năm triển khai thực hiện, những định hướng đổi mới giáo dục và đào tạo quy định tại Nghị quyết 29 đã tạo điều kiện cho giáo dục TP Hồ Chí Minh phát huy thế mạnh, đặc biệt là sự đổi mới, sáng tạo, tích cực, năng động, dám nghĩ dám làm và sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố đã đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng/năm để xây dựng cơ sở vật chất trường học; hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị hỗ trợ dạy - học tiên tiến, hiện đại. Tính tổng chi cho các hoạt động giáo dục chiếm 28% chi thường xuyên; chiếm 20% chi xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách thành phố.
Trong khi đó, ông Dương Xuân Huyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Cơ sở vật chất trường lớp học ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, còn nhiều điểm trường, lớp ghép, vẫn còn tình trạng thiếu 649 giáo viên so với định biên và 1.029 giáo viên so với định mức quy định. Giáo dục nghề nghiệp còn khó khăn, cơ chế chưa bảo đảm”. Qua đó đề nghị Chính phủ chỉ đạo và giao đủ số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, theo tinh thần ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên, bảo đảm lương nhà giáo được ưu tiên, yên tâm gắn bó với nghề...
 |
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại điểm cầu Hà Nội. |
Để ngành Giáo dục và Đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến sửa đổi Luật Thủ đô, trong đó có một số nội dung liên quan đến giáo dục. Đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ bổ sung biên chế tuyển dụng giáo viên, quy định vị trí việc làm, định mức giáo viên, không áp dụng giảm tối thiểu 10% biên chế đối với các cơ sở giáo dục.
Liên quan đến vấn đề thiếu giáo viên, bà Y Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối với các Bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất Chính phủ quan tâm ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, bổ sung chỉ tiêu biên chế còn thiếu cho ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum tương ứng với sự gia tăng quy mô học sinh và không cắt giảm 10% số lượng người làm việc cơ học trong đơn vị sự nghiệp.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng khi khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu cần quan tâm đầu tư, dù khó khăn thế nào vẫn phải ưu tiên cho giáo dục; nghiên cứu có chính sách phù hợp, huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư giáo dục. Để tiếp tục đổi mới, cần hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục, chú ý đến chuyển đổi số; hoàn thiện các giải pháp bảo đảm công bằng cho giáo dục…
Khẳng định ý nghĩa đúng đắn, tầm nhìn của Nghị quyết 29 nhưng cũng đồng thời phải phân tích trong bối cảnh mới, thách thức mới, Giáo dục đang đứng trước nhiều thách thức mà ở thời điểm ban hành nghị quyết chưa có điều kiện phân tích và đề cập tới nhiều, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, qua các ý kiến trao đổi tại hội nghị, các đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp thu để hoàn thiện dự thảo báo cáo và đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Tổng kết Nghị quyết 29 để khẳng định những vấn đề quan trọng, trong đó Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ kiến nghị với Bộ Chính trị để đưa vào kết luận một trong những nội dung: Yêu cầu về việc kiên trì định hướng, tiếp tục thực hiện đổi mới; phát huy kết quả trong thời gian tới. Tăng cường sự thích ứng, xử lý, vượt qua những thách thức trong thời kỳ mới, xoay quanh 3 vấn đề chính: Nhận thức, thể chế và nguồn lực.
KHÁNH HÀ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.