Lần này về quê vào dịp cuối tuần, chỉ còn ít ngày nữa là đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi mua bó hoa tươi đến chúc mừng bạn.
Bên ấm nước vối ngào ngạt hương quê, chúng tôi hàn huyên, râm ran đủ chuyện. Đang lúc vui vẻ, tôi bất chợt hỏi bạn vì sao đến nay vẫn chưa được đề bạt chức vụ lãnh đạo nhà trường, dù bạn có đủ tiêu chí cả về đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn, thành tích, kinh nghiệm công tác? Nghe vậy, bạn nhã nhặn: “Thực ra chức tước ai cũng thích, nói không thích là dối lòng mình. Nhưng như cậu biết đấy, tôi là người ham mê dạy học, ngày ngày bận rộn với việc lên lớp, nhiều năm được giao phụ trách luyện thi cho đội tuyển học sinh giỏi của trường, của tỉnh, nên rất ít thời gian đi giải quyết quan hệ với cấp trên”. Nói đến đây, bạn khéo chuyển sang ý khác: “Mà thôi, sắp đến ngày vui của nghề giáo, tôi cho cậu xem lại mấy kỷ vật gắn bó với những năm tháng đầu đời làm nhà giáo của mình nhé!”.
Bạn vào phòng riêng lấy một cuốn album to bằng hai bàn tay rồi đặt lên mặt bàn. Cuốn album này ngoài đựng tập ảnh gắn với thời trẻ của bạn, còn có những tấm thiếp chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam cách đây hơn hai chục năm. Những tấm thiếp hồi đó chủ yếu được vẽ bằng tay, với hình ảnh thân quen là cái bút, quyển sách hay nhành hoa mộc mạc, cùng những dòng chữ viết nắn nót lời hay ý đẹp về nghề sư phạm, về nhà giáo. Trong số đó, bạn đưa cho tôi xem tấm thiếp có ghi: “Mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, chân thành gửi tặng bạn 4 câu thơ “Kỹ nghệ “trồng người” đẹp tinh khôi/ Sư phạm là hương ngát cuộc đời/ Tâm sáng trên từng trang giấy viết/ Hồn trong dòng lưu bút muôn nơi”. Rồi bạn hỏi tôi: “Cậu có thấy bốn câu thơ toát lên thông điệp gì không?”. Tôi đọc qua và không khó để nhận ra ngay bốn từ đầu của bốn câu thơ ghép lại là cụm từ “Kỹ sư tâm hồn”.
Bạn chia sẻ với tôi, hiếm có nghề nào trong xã hội được ví “Kỹ sư tâm hồn” như nghề nhà giáo. “Kỹ sư” vốn là một từ chuyên môn dành cho các nghề và những người làm công việc thực hành kỹ thuật, chế tạo, thiết kế máy móc, vật liệu xây dựng. Còn “tâm hồn” là tình cảm, ý nghĩ, phản ánh đời sống tình cảm nội tâm, thế giới bên trong của con người. Ví nghề nhà giáo như “Kỹ sư tâm hồn” là khẳng định vị thế, sứ mệnh của nhà giáo trong việc nuôi dưỡng, giáo dục, xây dựng, bồi đắp ý nghĩ, tình cảm tốt đẹp và làm giàu trí tuệ, hiểu biết cho học sinh. Một kỹ sư giỏi về thực hành nghề kỹ thuật nào đó có thể thiết kế, chế tạo ra một máy móc tốt hay góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất. Còn một “kỹ sư tâm hồn giỏi” có thể giáo dục, bồi đắp, đào tạo được nhiều thế hệ học sinh tốt. Thế nên, trong khoa học giáo dục, người ta coi giáo viên như một “cỗ máy cái”, tức là cỗ máy giữ vai trò nòng cốt, thiết yếu trong việc tạo ra chất lượng sản phẩm đặc biệt, đó chính là nhân cách (bao gồm cả phẩm chất, năng lực) học sinh.
Như muốn lý giải vì sao mình vẫn giữ chức danh nhà giáo, người bạn trải lòng: “Vì bốn câu thơ mà cậu bạn thân tặng tôi từ lúc mới bước vào nghề nhà giáo, tôi luôn coi công việc giảng dạy của mình như một niềm vui, một niềm tin, một sứ mệnh và cũng như một định mệnh. Tôi yêu thiết tha nghề giáo, bởi đó là nghệ thuật “trồng người” đẹp đẽ, tinh khôi để góp phần tỏa hương ngát thơm cho cuộc đời; đồng thời tôi sẽ giữ trọn tâm trong đức sáng để lắng đọng một chút tâm hồn thanh bạch trong mỗi dòng lưu bút của mỗi học trò trước khi rời xa ghế nhà trường”.
Nghe lời bạn tâm sự, tôi bất chợt nhìn lên hàng chục tấm bằng khen, danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp và biết được thông tin bạn đã được nhà trường hoàn thiện hồ sơ trình lên các cấp xét duyệt danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” trong thời gian tới, tôi càng thêm trân quý người “Kỹ sư tâm hồn” đáng mến này.
PHÚC NỘI