Bill Gates là nhà sáng lập huyền thoại của công ty phần mềm lớn nhất thế giới, cũng là người giàu có nhất hành tinh. Tuy nhiên, những nỗ lực đổi mới công nghệ của tỷ phú này không đồng nghĩa với việc ông để con thoải mái sử dụng thiết bị điện tử.
Trong cuộc phỏng vấn cách đây vài năm, Bill Gates tiết lộ cấm các con sử dụng điện thoại trước 14 tuổi. Chia sẻ này của ông được cả thế giới tán đồng. Việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học vẫn luôn là đề tài gây tranh cãi trên thế giới. Các bậc phụ huynh ủng hộ việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học tin rằng nó sẽ giúp con em họ bảo đảm an toàn và liên lạc với họ hay người bảo hộ. Những người phản đối thì cho rằng điện thoại di động sẽ làm nảy sinh nhiều hành vi làm ảnh hưởng tới việc học tập.
|
|
Ảnh minh họa: phapluat.tuoitrethudo.vn |
Trong làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) mạnh mẽ thời gian gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới lại “chạy đua” với việc cấm trẻ em, học sinh dùng điện thoại. Mỗi nước có một cách làm riêng, nhưng nhìn chung đều đang nỗ lực “cứu rỗi” cả một thế hệ trước những nguy cơ từ điện thoại thông minh. Mới đây, phụ huynh và các trường học tại thị trấn Greystones (Ireland) tự nguyện tuân thủ chính sách “không smartphone”, cấm trẻ em dùng điện thoại thông minh cho tới khi đủ tuổi để ngăn chặn tác động tiêu cực đến con trẻ.
Năm học 2024-2025, Pháp cũng thí điểm thực hiện lệnh cấm sử dụng điện thoại di động tại trường học đối với học sinh dưới 15 tuổi. Trước đó, trong kế hoạch nhằm cải thiện hành vi của học sinh cũng như giảm sự gián đoạn trong lớp học, Bộ Giáo dục Anh cho biết, điện thoại di động sẽ bị cấm ở tất cả trường học. Ngay cạnh chúng ta, theo quy định mới được Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc đề xuất năm ngoái, trẻ em và thanh, thiếu niên tại nước này sẽ bị mất truy cập internet vào ban đêm và bị giới hạn chung về thời gian sử dụng điện thoại thông minh.
Khi thế giới bắt đầu bảo vệ trẻ em khỏi chứng nghiện thiết bị số, chúng ta làm gì? Ở ngoài đường, quán ăn, siêu thị... bất cứ đâu cũng dễ dàng nhìn thấy người trẻ độ tuổi học sinh kè kè chiếc điện thoại. Ngay chính con tôi đã từng có thái độ vô cùng hoảng hốt khi để quên chiếc điện thoại ở một quán ăn. Cháu từng nói: “Không có điện thoại con thấy trời sắp sập đến nơi”.
Trong cuộc trò chuyện khác với một người bạn, tôi cũng từng đặt vấn đề: “Mỗi giờ mà con chúng ta lên mạng hoặc dùng điện thoại là mỗi giờ chúng ít nói chuyện với gia đình hơn và cũng là mỗi giờ ít luyện tập, ít ngủ, ít giao tiếp với xã hội hơn, thậm chí ít rèn luyện thể chất để trở nên thông minh, khỏe mạnh hơn. Chị nên cho con hạn chế dùng điện thoại hoặc cấm luôn cũng được”.
Câu trả lời khiến tôi bất ngờ: “Không cấm được, nó sẽ oán trách bố mẹ vì các bạn có bị cấm đâu. Mình không thể làm cái việc khiến con mình bị cô lập với xã hội. Hơn nữa, bây giờ đứa trẻ nào chẳng dùng điện thoại, không thì chúng biết làm gì?”. Dù hơi giật mình nhưng quả nhiên tôi thấy chị nói có lý. Không thể “tước quyền” hòa nhập cộng đồng của một đứa trẻ bằng việc cấm chúng dùng điện thoại, điều đó chẳng khác nào khiến chúng trở nên dị biệt.
Ngay trong văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vẫn là quy định nước đôi: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Rất khó để phân biệt rạch ròi giữa việc “sử dụng điện thoại” với “sử dụng điện thoại phục vụ cho học tập”. Phải chăng đã đến lúc ngành giáo dục cũng cần xem lại quy định nửa vời này!
BẢO ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.