Đó là lứa tuổi học sinh chưa hoàn thiện về tâm sinh lý, nhiều em thừa nông nổi, bồng bột mà lại thiếu bình tĩnh, chín chắn nên dễ bị kích động, dễ có hành vi a dua làm theo những điều sai trái. Đó là mạng xã hội bùng nổ, những thông tin, hình ảnh xấu độc trên không gian ảo tiêm nhiễm vào tâm hồn non nớt của trẻ em những di chứng tai hại, lệch lạc. Đó là chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh…
Chỉ ra những nguyên nhân trên không sai. Nhưng còn một căn nguyên sâu xa khác là do chúng ta duy trì quá lâu phương pháp dạy học chủ yếu trang bị kiến thức, nặng về đánh giá kết quả, thành tích theo số lượng (điểm số, số học sinh giỏi, số học sinh lên lớp, số học sinh đoạt giải trong các kỳ thi) mà nhiều trường lớp, nhiều thầy cô giáo ít quan tâm giáo dục thái độ và kỹ năng sống tích cực, nhân văn cho các em. Thế nên, đứng trước một tình huống có vấn đề trong giao tiếp, ứng xử, sinh hoạt, cuộc sống, nhiều em tuy có học lực khá, giỏi nhưng vẫn “lơ ngơ, lác ngác như gà công nghiệp", không biết giải quyết, xử lý ra sao cho phù hợp, thậm chí “nhắm mắt làm ngơ” theo các hành vi sai trái, lệch lạc của bạn bè đồng trang lứa.
Lại nữa, từ nhiều năm nay, học sinh phải dành thời gian học tập quá nhiều. Khi đến trường, học sinh chủ yếu học, học và học. Về nhà, cha mẹ tiếp tục ép buộc con phải học thêm, học thêm và học thêm. Bị áp lực học hành đè nặng lên đôi vai, cơ thể bé nhỏ và tâm hồn non nớt nên các em càng thêm căng thẳng về tâm lý.
Đấy là chưa kể sự kỳ vọng quá lớn lao của cha mẹ cũng là áp lực vô hình làm cho học sinh luôn có cảm giác “bức bối” về việc học hành. Do vậy, ở lứa tuổi “dở dở ương ương” của các em mà không có sự cảm thông, sẻ chia đúng lúc, kịp thời của thầy cô giáo, cha mẹ và người lớn đã vô hình trung tạo ra sự uẩn ức về tâm lý khiến một bộ phận học sinh không kiểm soát được ý thức, lý trí trước những tình huống xung đột, mâu thuẫn với bạn bè.
Vì vậy, muốn phòng ngừa tận gốc vấn nạn học đường, trước hết phải quyết liệt đổi mới căn cơ nền giáo dục nước nhà, chuyển đổi căn bản quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất học sinh. Trong đó, cần khắc phục cho được căn bệnh thành tích trong giáo dục, giảm tải những áp lực không đáng có cho cả học sinh và giáo viên; đồng thời tạo ra thời gian, không gian để thầy và trò có cơ hội được tăng cường giao lưu, tương tác, tham gia các hoạt động bổ ích, hấp dẫn, nhân văn, qua đó góp phần giảm bớt tâm lý căng thẳng cho học sinh.
Đối với các bậc phụ huynh không nên kỳ vọng thái quá vào con, từ đó áp đặt con phải học hành quá sức. Tình yêu thương, quý trọng, niềm tin của cha mẹ dành cho con không nên dừng lại ở những điểm 9, 10 hay những “giải thưởng này, thành tích nọ” con giành được mà quan trọng hơn, cha mẹ cần là động lực, bệ đỡ tinh thần nâng niu từng bước trưởng thành, tiến bộ của con về mọi mặt trong cuộc sống.
Nhân tố gốc rễ của sự nghiệp “trồng người” không ai khác chính là đội ngũ nhà giáo. Dù cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có mang lại rất nhiều tiện tích trong giáo dục, nhưng các thầy cô luôn là điểm tựa gần gũi, vững vàng về tri thức, tình cảm, niềm tin, hy vọng để các em học sinh được lớn lên, trưởng thành trong vòng tay che chở ấm áp của những “kỹ sư tâm hồn”.
Khi mỗi cha mẹ và mỗi nhà giáo thấm nhuần và thực hiện trọn vẹn câu “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”, cùng với sự chăm lo, "vun trồng" nhân cách học sinh của cả cộng đồng, xã hội, chắc chắn đó sẽ là “liều thuốc” bồi bổ tâm hồn lành mạnh và giải tỏa tâm lý căng thẳng để các em tự phòng ngừa, giảm được tính hiếu thắng, nông nổi, hung hăng nhất thời của mình.
ANH THẢO