leftcenterrightdel
Các đại biểu tham quan gian hàng tại hội chợ. Ảnh: Tuệ Anh 
Huy động các nguồn lực tham gia phát triển du lịch

 

Với chủ đề “Hà Nội-điểm đến của du lịch Việt Nam”, VITM Hà Nội 2017 thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, xúc tiến du lịch từ 43 tỉnh, thành phố trong cả nước và 25 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Lào, Cu-ba, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Hồng Công, Đài Loan (Trung Quốc). Có 652 doanh nghiệp đăng ký tham dự VITM 2017, bao gồm: 175 doanh nghiệp khách sạn, khu nghỉ dưỡng; 265 doanh nghiệp lữ hành; 66 cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch; 10 hãng hàng không; 127 đơn vị cung cấp các dịch vụ du lịch khác.

Nói về ý nghĩa của VITM 2017, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khẳng định: Trong xu thế cạnh tranh và toàn cầu hóa như hiện nay, để duy trì và mở rộng thị trường du lịch, công tác xúc tiến, quảng bá ngày càng đóng vai trò quan trọng, có yếu tố sống còn. Vì vậy, việc Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với TP Hà Nội tổ chức Hội chợ VITM 2017 sẽ góp phần huy động tốt hơn các nguồn nhân lực xã hội tham gia phát triển du lịch.

Trong khuôn khổ VITM 2017, có nhiều hội nghị, hội thảo kích cầu du lịch được tổ chức, trong đó có tọa đàm “Triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đối với các doanh nghiệp du lịch” đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu và doanh nghiệp du lịch. Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng: Muốn thực hiện tốt mục tiêu của Nghị quyết 08-NQ/TW đề ra, đòi hỏi phải có sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc của ngành du lịch, đồng thời cần có sự vào cuộc của các ban, ngành liên quan và các địa phương. Nhưng vấn đề cấp bách hiện nay là các doanh nghiệp du lịch phải đổi mới nhận thức tư duy về phát triển du lịch. Vì thời gian qua, nhiều doanh nghiệp mải mê kinh doanh, chỉ chăm chăm làm sao có khách, có tiền… mà ít nghiên cứu những văn bản chính sách nên không biết mình được những quyền gì, nếu có gì không hợp lý cũng không biết để phản hồi lại với cơ quan quản lý Nhà nước...

leftcenterrightdel
 

Ký kết hợp tác với Hiệp hội Lữ hành Hoa Kỳ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt. Ảnh: Hoa Quỳnh

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư với các đối tác nước ngoài

 

Điểm nổi bật của VITM năm nay là hoạt động xúc tiến đầu tư với các đối tác nước ngoài. Các nước, các vùng lãnh thổ đến với hội chợ du lịch của Việt Nam không chỉ để gặp gỡ với người tiêu dùng mà đi vào thực tế, tạo sự thay đổi về chất khi tích cực gặp gỡ, cộng tác giữa các doanh nghiệp (B2B). Trước ngày diễn ra hội chợ, Cục Du lịch Đài Loan (Trung Quốc) đã tổ chức Hội thảo xúc tiến du lịch Việt Nam-Đài Loan nhằm giới thiệu các thông tin mới nhất về du lịch Đài Loan, cơ hội giao lưu hợp tác phát triển du lịch giữa hai bên và chính sách visa. Ông Tony Wu, Trưởng đại diện Du lịch Đài Loan tại Đông Nam Á, cho biết: Năm ngoái, lượng người Việt Nam đến du lịch Đài Loan tăng mạnh. Đặc biệt trong 2 tháng đầu năm 2017 đã tăng tới hơn 90%. Trong tương lai gần, Đài Loan sẽ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Hàn Quốc cũng tổ chức hội thảo giới thiệu du lịch Gyeongbuk-du lịch theo chủ đề tại Hàn Quốc và lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác do Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tổ chức. Ông Jung Chang Wook, Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam, chia sẻ: Năm 2016, lượng khách Việt Nam đến Hàn Quốc tăng hơn 50% so với năm 2015. Hàn Quốc rất quan tâm thị trường Việt và đã mở rộng gian hàng hội chợ, hỗ trợ doanh nghiệp bán sản phẩm du lịch Hàn Quốc với hy vọng lượng khách tiếp tục đạt những con số ấn tượng...

Đặc biệt, đoàn khách từ Mỹ với khoảng 45 hãng lữ hành lớn cũng đến Hội chợ VITM 2017 với tư cách “mua sỉ”, làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam để kết nối tour, tuyến, tạo mối liên kết với doanh nghiệp Việt.

Tham gia VITM lần này, ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng giám đốc APT Travel, chia sẻ: “Đây là cơ hội của APT Travel. Chúng tôi không chỉ kinh doanh lữ hành mà đầu tư cả du thuyền, vận tải, nhà hàng, khách sạn. Trong hội chợ, chúng tôi gặp gỡ nhiều nhà cung ứng, các hãng lữ hành của Mỹ. Là công ty tổ chức tour, chúng tôi rất mong đưa được nhiều khách sang thị trường Mỹ. Điều này cũng là cơ hội để người Mỹ hiểu hơn về con người, văn hóa Việt Nam”.

Nhiều tour khuyến mại hấp dẫn khách hàng

VITM 2017 có hàng loạt chương trình kích cầu du lịch để thu hút sự tham gia của công chúng. Ngoài những gian hàng ấn tượng, đẹp mắt, các công ty đưa ra nhiều tour khuyến mại hấp dẫn. Trong đó, Vietnam Airlines tung ra mức giá chỉ từ 299.000 đồng/chiều cho hành trình nội địa; Jetstar Pacific bán vé rẻ đặc biệt chỉ từ 11.000 đồng/chiều; Vietrantour tung ra khoảng 3.000 suất tour giá tốt cho du khách muốn trải nghiệm du lịch trong và ngoài nước; APT Travel đưa ra hàng nghìn tour với giá không lợi nhuận, tư vấn cụ thể, khách hàng được hưởng lợi từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhờ mua sớm…

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc TransViet Travel, cho biết: “Mặc dù giảm giá mạnh tới 10 triệu đồng/khách nhưng các tour vẫn được bảo đảm chất lượng cao. Mức giảm giá chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air, Qatar, All Nippon Airways, Turkey Airlines… và các đối tác dịch vụ mặt đất. Công ty TransViet Travel cũng sẽ không tính lợi nhuận của mình để có được mức giá kích cầu rẻ nhất cho khách hàng”. Ngay từ trưa 6-4, ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Công ty Hanoi Redtours, đã cho biết, nhiều tour của công ty được khách đăng ký đến 60%. Người dân đọc và biết trước chương trình kích cầu nên đến ngày hội chợ là cứ thế vào mua nên vé bán rất nhanh.

Các chương trình khuyến mại, vé máy bay giá rẻ… đã tạo nên nét hấp dẫn đặc trưng để thu hút người dân đến VITM 2017. Ông Vũ Thế Bình cho rằng, chính sự hấp dẫn này cũng là một điểm tạo nên sự thay đổi trong nhận thức của những người tổ chức hội chợ VITM. Vì trước kia, khi quyết định tổ chức hội chợ du lịch quốc tế, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng chỉ nhằm mục đích chính là quảng bá điểm đến, thành tựu… của du lịch Việt Nam. Nhưng sau 5 năm tổ chức thì VITM ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. “Đây là động thái cho thấy sự thay đổi nhận thức, vì du lịch chính là ngành phục vụ cộng đồng, phục vụ người dân chứ không chỉ là du lịch sang trọng dành cho các đối tượng giàu có, xa rời số đông người dân lao động”-ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

MINH NHÃ