Hình thành dòng sản phẩm du lịch đặc thù
Theo Quyết định số 2227, ĐBSCL sẽ hình thành các dòng sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc thù gồm: Du lịch trải nghiệm đời sống sông nước, du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu di sản văn hóa, cùng với củng cố các sản phẩm chính, bao gồm: Nghỉ dưỡng biển, đảo và vui chơi giải trí. Ngoài ra, vùng sẽ đa dạng hóa sản phẩm du lịch với các sản phẩm bổ trợ như: Du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch tìm hiểu các di tích lịch sử-cách mạng, du lịch hội nghị-hội thảo-sự kiện (MICE)...
Quyết định nêu rõ, vùng sẽ tập trung phát triển 5 khu du lịch quốc gia gồm: Thới Sơn (Tiền Giang, Bến Tre), Phú Quốc (Kiên Giang), Năm Căn-Mũi Cà Mau (Cà Mau), Tràm Chim-Láng Sen (Long An, Đồng Tháp), Núi Sam (An Giang) và 7 điểm du lịch quốc gia, gồm: Khu phức hợp giải trí Xứ sở Hạnh phúc (Long An), Cù lao Ông Hổ (An Giang), Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Bến Ninh Kiều (Cần Thơ), Hà Tiên (Kiên Giang), Văn Thánh Miếu (Vĩnh Long), Ao Bà Om (Trà Vinh).
Du khách quốc tế tham quan Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, An Giang.
Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, ĐBSCL từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong du lịch cả nước. Thời gian qua, du lịch của vùng có những bước phát triển mạnh và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương cũng như toàn vùng, tạo ra nhiều việc làm, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, củng cố quốc phòng-an ninh. Quy hoạch tổng thể lần này hướng đến mục tiêu đưa du lịch vùng ĐBSCL trở thành vùng du lịch đặc thù của cả nước và được ví như “kim chỉ nam” cho các địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu đưa ngành du dịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Trong việc phát triển tổng thể du lịch ĐBSCL, toàn vùng sẽ có hai không gian phát triển. Không gian du lịch phía Tây (TP Cần Thơ và các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gồm: Tham quan đất Mũi, Tây Đô, nghỉ dưỡng biển đảo, sinh thái, trải nghiệm đời sống sông nước, chợ nổi, lễ hội... Không gian du lịch phía Đông (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh) khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gồm: Nghiên cứu đời sống sông nước, miệt vườn, tham quan làng nghề, các di tích lịch sử, cách mạng, lưu trú tại nhà dân… TP Cần Thơ và huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ phát triển thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng.
Theo ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ, trước đây, Cần Thơ chỉ là điểm dừng chân của khách du lịch nhưng thời gian gần đây đã có bước phát triển vượt bậc. Ba tháng đầu năm 2017, Cần Thơ đón hơn 1,86 triệu lượt khách (khoảng 900.000 lượt khách du lịch quốc tế), doanh thu tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2016. Quy hoạch tổng thể lần này đã chỉ ra những trọng tâm, trọng điểm để phát triển du lịch vùng, từng địa phương, tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội, từ đó phát triển du lịch mạnh mẽ hơn nữa. Cần Thơ sẽ phấn đấu làm tốt vai trò trung tâm du lịch và điều phối khách du lịch.
Quyết tâm hiện thực hóa, đẩy mạnh liên kết vùng
Tài nguyên du lịch của ĐBSCL là sông nước. Cho đến nay, giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL và giữa ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh đã có một số hợp tác về du lịch. Tuy nhiên, những hợp tác này chưa phát huy rõ nét trong thực tế. Vì vậy, những lợi thế so sánh của vùng ĐBSCL để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù chưa thực sự phát huy hiệu quả. Qua thực tế khảo sát ở một số địa phương, chúng tôi nhận thấy, tình trạng trùng lặp về sản phẩm du lịch sông nước, du lịch sinh thái miệt vườn giữa các địa phương trong vùng còn khá phổ biến, phát triển du lịch giữa các điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch giữa các tỉnh trong vùng và giữa ĐBSCL với các vùng khác trong cả nước còn hạn chế đã làm giảm tính hấp dẫn về sản phẩm du lịch ĐBSCL hoạt động xúc tiến du lịch mang tính vùng… Có ý kiến cho rằng, chỉ cần đi một tỉnh là biết hết du lịch của ĐBSCL đã thể hiện tình trạng vùng chưa tập trung vào sản phẩm đặc thù chung và chưa làm nổi bật hình ảnh du lịch điểm đến của ĐBSCL.
Du khách quốc tế tham quan Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, An Giang.
Để Quyết định số 2227 đi vào thực tiễn, từ góc độ địa phương đã đạt nhiều thành công trong du lịch, ông Mai Văn Huỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhìn nhận: “Chúng ta không nên hoạt động đơn lẻ, chúng ta nên liên kết lại trong phát triển du lịch và đưa việc liên kết đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất. Liên kết giữa các địa phương, đất liền với biển, đảo, liên kết trong quảng bá xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Chỉ khi nào lợi ích, hiệu quả của việc liên kết phát triển du lịch vùng được nhận thức đầy đủ thì việc liên kết phát triển du lịch mới trở thành nhu cầu tự thân của địa phương trong vùng”.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đề xuất, để tăng tính liên kết và sự hấp dẫn thực sự về du lịch, vùng cần mạnh dạn phân công sản phẩm du lịch. Chẳng hạn, tỉnh Tiền Giang về du lịch miệt vườn, kết hợp với các di tích lịch sử, làng cổ. Tỉnh Bến Tre là tham quan các cồn, làng nghề hoa kiểng, cây giống. Tỉnh Trà Vinh là tham quan thắng cảnh Ao Bà Om, khai thác văn hóa Khơ-me, lễ hội... Tỉnh Vĩnh Long cũng du lịch miệt vườn nhưng tại các cù lao, loại hình du lịch lưu trú tại nhà dân (homestay) đối với du khách quốc tế, gắn liền với các làng nghề truyền thống... Hay như nói đến Đờn ca tài tử thì chỉ nên ưu tiên cho Bạc Liêu khai thác… Đó là những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương đã tạo nên một tuyến du lịch đầy hấp dẫn và phong phú sản phẩm du lịch trong một cuộc hành trình trải nghiệm tại ĐBSCL. Có như vậy, du khách phải đi ít nhất 13 ngày mới khám phá hết du lịch ĐBSCL.
Ở góc độ chuyên môn, ông Lê Thanh Phong, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho rằng, điều cần nhất là sự quyết tâm mạnh mẽ hiện thực hóa quy hoạch của từng địa phương trong vùng, xóa bỏ tính “cục bộ địa phương, mạnh ai nấy làm”, cũng như thay đổi tư duy làm du lịch, hướng đến du lịch xanh, du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm. Ngoài ra, cần đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xã hội hóa, xây dựng nguồn lực tinh thần cho phát triển du lịch. Đến nay, các địa phương đã phối hợp xây dựng thành công tour du lịch “ĐBSCL-Một điểm đến, bốn địa phương” và mong muốn, quy hoạch sẽ tạo ra luồng sinh khí mới với sản phẩm du lịch chung rõ nét của vùng hạ lưu sông Mê Kông nhưng lại có tính riêng của địa phương.
Theo quy hoạch, đến năm 2020 toàn vùng ĐBSCL sẽ đón khoảng 34 triệu lượt khách (khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế) và đến năm 2030 đón khoảng 52 triệu lượt khách (khoảng 6,5 triệu lượt khách quốc tế), tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt hơn 111.000 tỷ đồng; đến năm 2020 sẽ tạo việc làm cho khoảng 230.000 lao động và đến năm 2030 sẽ tạo việc làm cho 450.000 lao động.
Bài và ảnh: HÙNG KHOA