Theo đó, “Phở Nam Định” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tri thức dân gian, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: Có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

leftcenterrightdel
Bát phở Cồ truyền thống của làng Vân Cù, xã Đồng Sơn (Nam Trực, Nam Định). 

Việc “Phở Nam Định” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ sở bước đầu để Chính phủ đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét, ghi danh “Phở Nam Định” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ đó, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Phở Nam Định”; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa ẩm thực “Phở Nam Định”; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với di sản; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, của các tổ chức hội, hiệp hội ẩm thực và cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo vệ giá trị thương hiệu, sản phẩm ẩm thực đặc sắc của đất và người Nam Định.

Dịp này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng đã ký quyết định đưa tri thức dân gian mỳ Quảng tỉnh Quảng Nam vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trước đó, ngày 10-8-2023, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề chế biến mỳ Quảng tại tỉnh Quảng Nam.

Trước đó, chuyên trang được mệnh danh là "bản đồ ẩm thực thế giới" Taste Atlas cũng đã đưa ra danh sách 100 món ăn ngon nhất Việt Nam để thực khách quốc tế trải nghiệm, trong đó có mỳ Quảng.

TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.