Trong đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Ngọc Như Hải là tên tuổi nổi bật, luôn có ý thức vươn lên nâng cao tay nghề, với khát vọng khắc họa vẻ đẹp “xứ trà” trong từng khuôn hình.
Năm nay đã 67 tuổi ta nhưng dáng vóc, thần thái NSNA Ngọc Như Hải vẫn tráng kiện, hoạt bát. Ông tâm sự đó là nhờ theo đuổi công việc nhiếp ảnh yêu thích, được giao lưu với đồng nghiệp, rong ruổi sáng tác trên khắp nẻo đường. Đó là chuyện bây giờ. Còn hơn 40 năm về trước, khi ông bén duyên với nhiếp ảnh, mọi chuyện khó khăn rất nhiều. Khi đó ông là thầy giáo ở huyện miền núi Na Rì, bữa cơm hằng ngày toàn “mờ” (măng, môn, mắc...), thì câu chuyện đến với nhiếp ảnh thật xa xỉ.
 |
Lễ mừng cơm mới của đồng bào Tày tại Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, TP Thái Nguyên. Ảnh: NGỌC NHƯ HẢI |
Tình cờ, người anh trai là ông Ngọc Tiến Tăng (nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Thái trước đây) biết chụp ảnh, chỉ dạy kỹ thuật cơ bản. Dường như nhận ra năng khiếu của người em trai nên ông Tăng không ngần ngại tặng một chiếc máy ảnh cũ. Hồi đó, NSNA Ngọc Như Hải không dám chụp ảnh nghệ thuật vì phim rất hiếm.
Máy ảnh chỉ được ông sử dụng chụp ảnh chân dung, ảnh kỷ yếu cho giáo viên, học sinh. Từ trường huyện về trung tâm tỉnh chừng 150km, thời đó phương tiện khó khăn, nên mỗi lần mang phim về rửa lấy ảnh thật nhiêu khê, thế là ông mày mò tự học rửa ảnh luôn. Từ đó, thầy giáo Ngọc Như Hải ngoài giờ lên lớp còn thường xuyên đi chụp sự kiện ở địa phương để vừa nâng cao tay nghề, vừa có thêm thu nhập.
Năm 1995, NSNA Ngọc Như Hải quyết định chuyển hẳn sang nghề nhiếp ảnh tại TP Thái Nguyên. Bên cạnh làm dịch vụ nhiếp ảnh, ông bắt đầu sáng tác ảnh nghệ thuật. Ngẫm lại, ông cảm thấy may mắn vì bước vào nghề có người anh trai hỗ trợ, khuyến khích; các cơ quan, đơn vị, cá nhân, báo chí địa phương “đặt hàng” liên tục.
Đã vậy, hội văn học nghệ thuật ở Trung ương và địa phương rất quan tâm tạo điều kiện đi thực tế sáng tác, sinh hoạt nghiệp vụ, tổ chức các cuộc thi... Nhưng từ một “tay máy” không chuyên để trở thành NSNA tên tuổi không phải một sớm một chiều. Nhiều lần tham dự các cuộc thi ảnh, không đoạt giải nào nhưng không vì thế mà ông nản chí. NSNA Ngọc Như Hải kiên trì đọc thêm tài liệu, học hỏi bạn bè, tự rút kinh nghiệm làm nghề. Dần dần, thành công đến với ông từ những bức ảnh mảng đề tài du lịch, văn hóa truyền thống, lao động sản xuất.
Người xem ấn tượng với bức ảnh chân dung “Cô dâu Dao đỏ” được trang điểm rất hiện đại, nhưng vẫn trùm lên bộ trang phục truyền thống, gương mặt lấp ló đầy tâm trạng. Chính khoảnh khắc chứa đựng nhiều “câu chuyện” như vậy tạo ấn tượng chiều sâu. Bức ảnh đã được trao Huy chương Vàng Cuộc thi ảnh nghệ thuật miền núi phía Bắc năm 2022.
NSNA Ngọc Như Hải còn giới thiệu với chúng tôi những bức ảnh về hồ Núi Cốc, đồi chè Đại Từ, Đồng Hỷ..., được sử dụng để quảng bá sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh nhà. Bộ ảnh lễ mừng cơm mới, ngày hội xuống đồng... phản ánh bề dày, chiều sâu văn hóa của tỉnh Thái Nguyên đa văn hóa, đa dân tộc.
Ông cho biết bản thân không giỏi về công nghệ nên ảnh chụp flycam, ảnh sử dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến không phải là thế mạnh. Thay vào đó ông chú trọng đi đến tận nơi, cố gắng không sa vào dàn dựng mà đơn giản chỉ là “săn” những khoảnh khắc của đời sống.
Nhiếp ảnh là “cuộc chơi” tốn kém, mỗi một lần đi sáng tác kinh phí bỏ ra không ít mà chẳng có bức ảnh nào ưng ý là điều bình thường. Nhưng chỉ cần một khoảnh khắc ấn tượng được lưu giữ lại, nhiệt huyết, lòng say nghề của NSNA Ngọc Như Hải lại dâng đầy, nguyên vẹn như thủa còn là anh giáo tập cầm máy ở núi rừng mù sương.
VÂN HÀ