Ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi rời Hội An vào đầu giờ chiều. Lúc ấy, dọc sông Thu Bồn đã dậy gió nồm Đông Nam. Gió ấy đến nhanh thấy lạ. Mới đó thôi, dọc con sông rộng dài chỉ thấy loang loáng màu nắng. Cái nắng đầu thu vẫn hầm hập, cây cối hai bên bờ sông lặng im ủ rũ như héo hắt đợi chờ. Vậy mà còn đang mơ màng chưa kịp tỉnh giấc nồng, gió Đông Nam đã về mang theo hơi nước mát lạnh, thổi bùng lên những rộn ràng, tươi mới.

 Múa thuyền thúng sôi động ở rừng dừa Bảy Mẫu. Ảnh: NGUYÊN ĐỨC

Cảnh vật hai bên đường như bừng tỉnh sau một thoáng mơ trưa. Hàng tre ven sông kẽo kẹt, nghiêng ngả xuống cả mặt nước. Bất giác, tiếng chuông điện thoại của một thành viên trong đoàn reo lên. Âm thanh điện thoại lẫn trong tiếng gió, chúng tôi nghe câu được câu chăng: “Gió nồm lên rồi, cô chú về Cẩm Thanh thăm rừng dừa Bảy Mẫu đi chớ!”. Vì đã có hẹn trước nên chúng tôi nhận ra ngay người gọi là anh Trần Công Pháp, chủ cơ sở kinh doanh du lịch Pháp Trần tại thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Chỉ đợi có vậy, chúng tôi rủ nhau lên đường, men theo con đường ven sông Thu Bồn về rừng dừa Bảy Mẫu.

Đường từ Hội An về Cẩm Thanh dễ đi, như anh Pháp chỉ dẫn: “Cứ thấy bóng cây dừa nước là cô chú đã đến địa phận xã Cẩm Thanh rồi”. Thế là yên tâm, chúng tôi nhằm hướng trục đường chính, rẽ từng ngọn gió nồm mà đi. Và rồi bóng dừa nước xuất hiện một cách bất ngờ. Xe chúng tôi vừa lăn bánh trên cầu bắc qua rạch nước, ánh mắt đã chạm vào màu xanh biêng biếc của những vạt dừa nước ven sông. Nắng xuyên qua kẽ hở lá dừa càng làm màu xanh thêm óng ả, tươi non. Rừng dừa xuất hiện cũng là bảo chứng về mặt địa giới khiến chúng tôi thêm vững tâm, háo hức chờ đợi đến điểm tham quan.

Xe tiến vào trung tâm khu du lịch rừng dừa, từng đoàn khách xuôi ngược cho thấy cảnh nhộn nhịp nơi đây. Anh Pháp đón chúng tôi ngay điểm đỗ xe. Anh hội tụ đủ đầy đặc điểm của người xứ Quảng, làn da rám nắng, rắn rỏi, nhiệt tình, cởi mở với những người khách phương xa. Anh Pháp hướng dẫn chúng tôi mua vé và chọn thuyền. Để bảo đảm an toàn, thuyền thúng phục vụ du lịch được thiết kế nhỏ gọn, ngoài người chèo thuyền còn đủ cho tối đa hai khách tham quan.

Mong chuyến khám phá rừng dừa thêm trọn vẹn, chúng tôi lựa chọn lối đi vắng người hơn. Tôi và cô bạn đồng hành lên một chiếc thuyền thúng của cô Nguyễn Thị Sen, một tay chèo có tiếng phục vụ khách du lịch đã có thâm niên gần chục năm. Cô Sen năm nay vừa tròn 60 tuổi mà giọng nói vẫn sang sảng, nhiệt thành hướng dẫn chúng tôi từ mặc áo phao đến gợi ý những điểm có thể “tạo dáng” chụp ảnh.

Thuyền nhẹ lướt trên mặt nước, con rạch nhỏ dẫn lối chúng tôi xuyên qua vạt dừa soi bóng. Chúng tôi ghé sát gốc dừa đến nỗi chỉ cần với tay là chạm vào bẹ dừa cứng chắc, đang mải miết nhuộm vào không gian cái màu nâu thâm trầm cổ kính. Nơi gốc, bẹ dừa ấy thấp thoáng những bông dừa vàng chắt chiu mật ngọt đợi một ngày kết trái trên sông. Mà du khách cũng chẳng phải đợi lâu để ngắm thành quả, bởi xung quanh là vô số trái dừa nước như quả cầu nhiều mắt khía, lừng lững hiên ngang. Trong tầm mắt hút về phía xa, chúng tôi tưởng như người mẹ thiên nhiên khéo léo đã tô vẽ bức tranh rừng dừa nơi đây thật màu sắc. Đổ tràn ra trước mắt là màu xanh nhạt của dòng nước được ngăn lại bằng màu nâu trầm mặc gốc dừa, rồi lại vút lên cao cái màu xanh biếc, xanh ngọc của lá dừa đổi sắc theo ánh nắng chiều. Dọc con rạch, rừng dừa trầm ngâm soi mình xuống làn nước biếc, quyết giữ cho mình sự lặng im như để gợi thêm tò mò, ham thích cho du khách.

Chúng tôi quay sang hỏi cô Sen: “Không mấy khi đến Hội An, cô ca một làn điệu bài chòi cho chúng con nghe đi ạ!”. Cô Sen cười, nói bằng giọng xứ Quảng: “Trời ơi, chèo thấy mệt mà còn kêu “coa” (ca) bài chòi “lồm sô” (làm sao) được các con ơi!”. Nghe vậy, cả đoàn cười vang, chúng tôi tự thấy lời yêu cầu quả thật hơi quá. Ấy thế mà vừa cười xong, cô Sen ca thật. Miệng cô lẩm nhẩm một lúc như để nhớ lại nhịp vào bài, như để lắng hồn mình trong khúc hát dân ca. Thế rồi, cô ngước lên cao phía ngọn rừng dừa, cất giọng ca với những luyến láy đặc trưng của làn điệu bài chòi: “Có người con gái quang vinh/ Hiên ngang như đất quê mình Cẩm Thanh... Vai mang túi thuốc, súng cầm trên tay/ Lựu băng lửa đạn, Lựu đi diệt thù...”.

Đợi cô ca xong, chúng tôi thắc mắc: “Lựu trong bài hát là ai vậy cô?”. Câu hỏi như chạm vào ký ức thẳm sâu với nhiều nỗi niềm, cô Sen nói bằng giọng chậm buồn: “Đó là Anh hùng LLVT nhân dân Huỳnh Thị Lựu, liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cũng là dì ruột của cô!”. Thế rồi, trong dập dềnh sóng nước và câu chuyện kể của cô Sen, chúng tôi hình dung ra bóng dáng người con gái nhỏ Cẩm Thanh làm y tá vừa cứu chữa thương binh, vừa cầm súng đánh giặc. Hình bóng ấy hòa trong không khí cách mạng sục sôi nơi "địa chỉ đỏ" rừng dừa. Rừng dừa phủ màu xanh ngăn ngắt che chở cho bộ đội trước làn đạn quân thù, bẹ dừa nâu sẫm làm súng ngụy trang trong ngày đồng khởi khiến quân địch hoang mang, sợ hãi. Rừng dừa Bảy Mẫu còn đây, những người con Cẩm Thanh vẫn miệt mài chèo thuyền thúng để kể cho du khách lịch sử kháng chiến hào hùng giữa mênh mang sóng nước, giữa trầm mặc bóng dừa.

Trong không gian tĩnh lặng bàng bạc màu thời gian, cô Sen phải đánh tiếng để cắt ngang dòng suy tưởng của chúng tôi. Cô chỉ cho chúng tôi biết ngay trước mắt, thoát khỏi con rạch nhỏ này là nơi rộng lớn, một phần nhỏ của vịnh Cửa Đại, cũng là đoạn sôi động và nhộn nhịp của rừng dừa Bảy Mẫu. Quả đúng như lời cô, thuyền chúng tôi vừa thoát khỏi con rạch là chạm ngay vào sự rộn ràng, huyên náo. Thuyền thúng san sát, dập dềnh theo con nước xô vào nhau nghe tiếng “kình  kịch” vui tai. Những âm thanh rộn vang từ chiếc loa trên thuyền biểu diễn thu hút du khách vào vòng tròn nối tiếp của âm nhạc và sóng nước. Du khách từ xa đến còn được chiêm ngưỡng màn biểu diễn quăng lưới đánh cá, múa thuyền thúng ở những đoạn được quy định trên sông.

Những hoạt động biểu diễn trên sông nước rộn ràng nhưng quy củ. Điều này, chúng tôi cũng được biết đến qua khẳng định của ông Nguyễn Hùng Linh, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thanh về việc siết chặt công tác quản lý du lịch ở rừng dừa Bảy Mẫu. Cũng theo ông Linh, với việc có hơn 1.000 thuyền thúng và 600 hộ dân tham gia phục vụ nên việc quản lý khai khác du lịch càng phải hướng đến phát triển gắn với bảo tồn nguyên vẹn giá trị di tích. Đồng thời, phải bảo đảm an toàn, tránh gây ồn ào, khó chịu cho du khách đến tham quan.

Thấy cô Sen bắt đầu thấm mệt, tôi ngỏ ý chèo cùng khi thuyền bắt đầu rẽ nước trở về. Cầm mái chèo trên tay, dù luống cuống, tôi cũng kịp cảm nhận những khó khăn, vất vả của người chèo thuyền thúng. Mái chèo cản nước nặng trịch nhưng nếu cố gồng lên để chèo, thuyền lại chòng chành xoay tròn, mất cân bằng. Phải một lúc, tôi mới phối hợp nhịp nhàng cùng cô Sen. Thuyền trở về khi hoàng hôn bắt đầu phủ bóng xuống rừng dừa. Những con cá kìm dưới sông bơi mải miết, ngược hướng di chuyển của chúng tôi. Đám cua bám mấp mé nơi gốc dừa và mặt nước, mỗi khi thuyền đi qua lại thả mình xuống dòng nước trốn mất tăm. Cảnh sông nước lui về tĩnh lặng, gửi lại những cảm xúc lắng đọng nơi rừng dừa Cẩm Thanh.

Ghi chép của NGUYỄN ĐỨC HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.