Tuy nhiên, du lịch CSSK không chỉ đòi hỏi kỹ năng du lịch mà còn yêu cầu về nghiệp vụ, kiến thức. Nếu không am hiểu, thực hiện không đúng quy trình sẽ lợi bất cập hại.
Xu hướng mới sau dịch
Ông Vũ Nam, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) nhận định: “Du lịch kết hợp CSSK là xu hướng du lịch trong tương lai, nhất là khi dịch bệnh xuất hiện thì nhu cầu này càng lớn. Đây là cơ hội để Việt Nam chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch này”.
Sau dịch, nhiều người lựa chọn tour du lịch nghỉ dưỡng, thư giãn và CSSK như: Thiền, tập yoga, dưỡng sinh, tắm khoáng nóng... để phòng, chữa bệnh, giúp thể chất cân bằng, tinh thần vui vẻ. Nắm bắt xu thế mới này, một số khách sạn, resort lớn đầu tư nhiều hơn cho các mô hình du lịch CSSK. Trong năm qua, Azerai Cần Thơ đã giới thiệu các chương trình yoga và tập giảm cân nghỉ dưỡng hằng tháng, trang bị phòng tập hiện đại; đưa ra gói sản phẩm bao gồm hướng dẫn tập luyện và CSSK... cho du khách. Trong khi đó, Khu nghỉ dưỡng The Anam Cam Ranh (Khánh Hòa) giới thiệu các chương trình tập luyện yoga, vovinam... Tại Quảng Ninh, Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh đang trở thành điểm đến được nhiều du khách ưa thích và phải đặt trước hàng tháng nếu muốn lưu trú tại đây.
 |
Du khách được hướng dẫn tập vovinam tại The Anam Cam Ranh.Ảnh: TUẤN ANH |
Phát triển du lịch CSSK làm phong phú thêm sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú, chi tiêu của khách du lịch trong và ngoài nước. Cách đây ít lâu, nhân viên Lê Hoa của Khu nghỉ dưỡng TUI Blue Nam Hội An (Quảng Nam) tự hào khoe với chúng tôi về nơi mình làm việc: “Có những người đến đây chỉ định ở lại ít ngày nhưng những buổi tập yoga và mùi hương của những “cánh đồng sả” khắp không gian khu nghỉ dưỡng khiến họ quyết định lưu lại nơi này cả tháng”. Đánh giá về xu thế này, GS, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) đưa ra số liệu cụ thể: “Năm 2018 có khoảng 350.000 người nước ngoài đến Việt Nam khám, chữa bệnh và mang lại nguồn thu 2 tỷ USD, chưa kể số tiền lớn khác chi cho các dịch vụ CSSK khi đi du lịch. Trong khi đó, hằng năm cũng có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh kết hợp du lịch và chi tiêu tới cả tỷ USD”. Như vậy, không chỉ khách quốc tế mà chính thị trường nội địa cũng là mảnh đất màu mỡ cho loại hình du lịch CSSK.
Chậm thích ứng
Mang lại nguồn thu lớn nhưng du lịch CSSK của Việt Nam chưa thực sự được chú ý, mặc dù rất nhiều tiềm năng để khai thác loại hình du lịch này. Thực ra, từ lâu nhiều địa phương đã tận dụng những nguồn lợi sẵn có để khai thác loại hình du lịch này, như Phú Thọ, Hòa Bình có suối nước khoáng nóng hay xông hơi, tắm bùn ở Khánh Hòa... Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận: “Dù mảnh đất cố đô có nền y học Đông y hưng thịnh, sở hữu 7 nguồn suối nước nóng nhưng sản phẩm du lịch CSSK vẫn chưa được nhiều du khách biết đến do chiến lược truyền thông, quảng bá chưa tốt, ít đơn vị lữ hành khai thác kết nối”.
Đến Sa Pa (Lào Cai), một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua là tới các cơ sở massage ngâm chân, tắm thuốc lá của người Dao đỏ. Thuốc lá ngấm vào qua da, hương lá phảng phất khắp không gian tạo cảm giác thư thái, giãn gân cốt, xua tan mệt mỏi. Nhưng ngâm thuốc lá Dao đỏ thường dễ say. Một số du khách đã ngã ra đất ngay khi vừa bước chân khỏi bồn tắm dù được dặn không nên ngâm lâu quá. Không phải du khách quên lời nhân viên tư vấn mà vì họ không biết thời gian thích hợp theo thể trạng từng người để dừng lại. Đây là một ví dụ cho thấy hầu hết điểm kinh doanh dịch vụ du lịch CSSK của ta còn nhỏ lẻ, manh mún, mang tính tự phát và chưa có sự đồng bộ về cơ sở vật chất lẫn những nghiên cứu, chuẩn hóa về quy trình y tế, CSSK, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe du khách. Điều này cũng là thực tế chung ở nhiều địa phương. Nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương thẳng thắn nhìn nhận: “Các hoạt động du lịch CSSK của Việt Nam mới phát triển ở giai đoạn đầu, sản phẩm ít, chưa thực sự đặc sắc. Chúng ta chưa có nghiên cứu đầy đủ về tiềm năng và xây dựng phát triển sản phẩm du lịch này”.
Một vấn đề nữa là chúng ta thiếu nhân sự du lịch chăm sóc du khách về mặt y tế. Không có hướng dẫn, nhiều nhà đầu tư hướng đến loại hình này mà không biết bắt đầu từ đâu. Tận dụng và giữ chân nhân lực du lịch sẵn có trong lúc khó khăn thì họ lại không có chuyên môn về CSSK.
Đề cao vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đề xuất: “Tổng cục Du lịch nên có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương trong định hướng phát triển loại hình du lịch này, không nên phát triển ồ ạt mà cần có quy hoạch phù hợp với tiềm năng, lợi thế từng địa phương”. Trong khi đó, theo GS, TS Nguyễn Văn Đính: Việt Nam cần đưa loại hình du lịch này thành một trọng điểm trong quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch.
TOÀN LINH