Lịch sử hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển đã chứng kiến không ít lần bó lúa vàng ASEAN phải gồng mình qua dông bão nhưng qua đó ASEAN lại trưởng thành hơn trước. Với tay lái vững vàng của “thuyền trưởng” Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, “con tàu” ASEAN tiếp tục khẳng định bản lĩnh không khuất phục trước nghịch cảnh, tự tin đi qua vùng biển động, thẳng tiến về phía trước.
Nhiệm vụ kép
ASEAN là điểm đột phá đầu tiên để Việt Nam triển khai phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, giúp phá thế bao vây, cô lập, tạo đà để Việt Nam vững tin mở rộng, nâng tầm quá trình hội nhập quốc tế của đất nước. Với tầm quan trọng chiến lược như vậy, ASEAN luôn là một trong những trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam như văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nêu: “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh”. Cũng cần lưu ý rằng, năm 2020 đánh dấu mốc quan trọng khi Việt Nam kỷ niệm 25 năm gia nhập hiệp hội và đây cũng là năm bản lề trong triển khai kế hoạch hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Bước sang năm thứ 8 triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và năm thứ hai triển khai Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8-8-2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, cùng với vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam xác định năm 2020 là thời cơ quan trọng để khẳng định tâm thế của một đất nước yêu chuộng hòa bình, đổi mới, đang hội nhập quốc tế sâu rộng; đóng góp chủ động, tích cực, trách nhiệm vào hòa bình, an ninh, thịnh vượng chung của khu vực và thế giới, từ đó tạo ra những động lực mới cho phát triển và nâng cao vai trò, vị thế của đất nước.
 |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị cấp cao ASEAN 37 được tổ chức trực tuyến ngày 12-11-2020. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Với nhận thức như vậy, Việt Nam đã chuẩn bị mọi mặt nhằm bảo đảm cho thành công của Năm ASEAN 2020, chung tay xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, thịnh vượng và tự cường, có vai trò, vị thế quốc tế ngày càng cao. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã lựa chọn “Gắn kết và chủ động thích ứng” là chủ đề của Năm ASEAN 2020 với hàm ý một cộng đồng gắn kết và phát triển rất cần gia tăng sự chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ.
Cộng đồng ASEAN chào đón Năm mới 2020 trong sắc xuân đâm chồi nảy lộc, khởi đầu cho những kỳ vọng mới muôn phần tốt đẹp khi ASEAN bước sang thập niên thứ 6. Cộng đồng ASEAN đã hình thành 5 năm, phát triển mạnh mẽ thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là lực lượng quan trọng, giữ vai trò trung tâm cho đối thoại, hợp tác vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực. Không ai có thể hình dung được, cùng với cả thế giới, chỉ hơn một tháng sau, “con tàu” ASEAN 2020 phải đi qua dông bão dữ dội của đại dịch Covid-19. “Chúng ta đâu có nghĩ là vừa quyết định xong chủ đề thì có thử thách đầu tiên là dịch Covid-19. Dịch Covid-19 lại càng cho thấy chủ đề đặt ra là rất đúng. Việt Nam, trong cương vị Chủ tịch ASEAN, đã cùng các nước thành viên ASEAN thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa tập trung phòng, chống dịch Covid-19 vừa tiếp nối các nỗ lực xây dựng cộng đồng, tập trung triển khai những trọng tâm ưu tiên hợp tác đề ra trong năm 2020”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định.
Xây “thương hiệu”
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết các nước đều đánh giá dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, “Gắn kết và chủ động thích ứng” không chỉ đơn thuần là chủ đề của Năm ASEAN 2020 mà đã trở thành “thương hiệu” của ASEAN. Nhờ đó, các sáng kiến Việt Nam đề xuất như Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN... đều được các nước ủng hộ, hưởng ứng mạnh mẽ và đóng góp rất nhiệt tình.
 |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị cấp cao liên quan được tổ chức trực tuyến ngày 15-11-2020. Ảnh: VŨ HOÀNG |
Giữa lúc các nước phải tập trung nguồn lực ứng phó với cuộc khủng hoảng chưa từng có do đại dịch, theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, một vấn đề đặt ra là có nên tạm hoãn tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN hay không? Thế nhưng, khó khăn không chùn bước, thách thức chẳng sờn lòng, dịch Covid-19 đã không thể cản trở tiến trình ấy. “Cùng với việc dẫn dắt ASEAN đạt được những kết quả cụ thể trong hợp tác ứng phó dịch bệnh, tiến tới phục hồi, Việt Nam còn tích cực, chủ động đề xuất nhiều sáng kiến thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, không chỉ nhằm thực hiện mục tiêu trước mắt mà còn đưa ra định hướng phát triển lâu dài, ví dụ như Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025. Có thể nói, Việt Nam đã hoàn thành tốt những gì mà người ta mong đợi ở một nước Chủ tịch ASEAN”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định.
Sức sống bền vững
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan là người trực tiếp tham gia tiến trình Việt Nam gia nhập ASEAN từ những năm đầu thập niên 1990, chứng kiến những bước khởi đầu chập chững của Việt Nam tại một “sân chơi” mới và vẫn luôn dõi theo hành trình 1/4 thế kỷ Việt Nam tham gia “mái nhà chung”. Nhấn mạnh 2020 là một năm “lửa thử vàng, gian nan thử sức” đối với “thuyền trưởng” Việt Nam và “con tàu” ASEAN, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN đã chứng tỏ được sức sống bền vững. Điều đó được thể hiện ở 5 thành tựu nổi bật.
Một là, tuy phải giãn cách vì dịch bệnh nhưng thực chất ASEAN vẫn rất gần nhau nhờ các nền tảng kỹ thuật số hiện đại.
Hai là, bất chấp tác động của dịch Covid-19, ASEAN thậm chí còn xử lý được khối lượng công việc nhiều hơn bình thường. Số lượng kỷ lục các văn kiện được thông qua trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam không chỉ là “các tuyên bố chính sách mà còn kèm các cơ chế vận hành cụ thể”, được thể hiện trong hợp tác ứng phó dịch Covid-19 thông qua Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN...
Ba là, ASEAN đã chứng minh rõ tinh thần chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Điều này được thể hiện trong việc ASEAN đẩy mạnh hợp tác nội khối và với các nước đối tác để ứng phó đại dịch Covid-19, tiến tới phục hồi kinh tế cũng như ASEAN duy trì đoàn kết, thống nhất, vai trò trung tâm trong khu vực trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược gia tăng giữa các cường quốc.
Bốn là, ASEAN đã có cách tiếp cận phù hợp với những chuyển dịch địa-chính trị, địa-kinh tế trong năm 2020. ASEAN đã không chọn bên, chọn mục tiêu chứ không chọn đối tượng. Mục tiêu là làm sao giữ vững hòa bình, ổn định của khu vực, duy trì đà hợp tác trong ASEAN và với các đối tác bên ngoài. “Cách tiếp cận như vậy rất thành công. Các nước lớn không những quan tâm mà còn thúc đẩy quan hệ với ASEAN, ví dụ như việc nâng cấp quan hệ ASEAN-Liên minh châu Âu (EU) lên đối tác chiến lược”, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh.
Năm là, ASEAN không những giải quyết các vấn đề trước mắt mà còn hướng về tương lai. Việc thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 chính là một minh chứng cụ thể.
“Dù thời gian qua đi, mỗi một Năm ASEAN đều có chủ đề riêng nhưng tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng” vẫn sẽ còn ẩn chứa đằng sau. Trên cơ sở những thành tựu của năm 2020, tôi rất hy vọng “đại gia đình” ASEAN sẽ giữ được phong độ, danh tiếng là một trong những tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất trên thế giới”, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ.
(còn nữa)
HOÀNG VŨ