Súng bên súng là biểu hiện của tinh thần kề vai sát cánh bên nhau cùng chiến đấu với kẻ thù chung trên một chiến hào. Đầu sát bên đầu là chung một lý tưởng, một ý chí. Ý chí và hành động của những người lính hòa quyện vào nhau, gắn kết họ lại trong một đội hình chiến đấu. Ý nghĩa sâu sắc hơn, nồng ấm hơn là sự tri kỷ. Tình đồng đội khi ấy trở thành mối tương giao gắn kết, chia ngọt sẻ bùi, cảm thông, thấu hiểu trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, là nét văn hóa đặc sắc riêng có của Bộ đội Cụ Hồ.

Trong hiểm nguy, gian khó càng sáng ngời tình đồng đội

Cách đây 80 năm, trong khu rừng thẳm nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với áo nâu, súng kíp cùng hô vang lời thề: “Hết sức ái hộ các bạn chiến đấu trong đội cũng như ái hộ bản thân, hết lòng giúp nhau trong lúc thường cũng như lúc ra trận” ("ái hộ" nghĩa là yêu mến, che chở). Lời thề của những con người áo vải giản dị nhưng vô cùng sâu sắc, ý nghĩa. Dù mới sơ khai nhưng những người cùng chung chiến hào đã thề nguyện yêu thương nhau như yêu chính bản thân mình, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh, lúc sinh hoạt đời thường cũng như trong chiến đấu.

leftcenterrightdel

Nét đẹp tình đồng đội. Ảnh: TUẤN HUY 

Trong Quân đội, đồng đội là những người cùng chung mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cao cả và sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động chiến đấu hoặc các nhiệm vụ khác. Đồng đội hướng tới sự đoàn kết và lòng tin tưởng giữa các đội viên. Tình đồng đội gắn kết như một lẽ tự nhiên. Đó là những con người tự nguyện đứng trong một tổ chức Quân đội, cùng chung lý tưởng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Mục tiêu chiến đấu của những người lính cách mạng rất rõ ràng, cụ thể, nên họ đã tự nguyện cố kết, gắn bó với nhau, dù ban đầu có thể mỗi người ở "Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”. 

Tình đồng đội gắn bó, đồng cam cộng khổ được hình thành từ thực tế cuộc sống chiến đấu, lao động, công tác trong Quân đội. Hoạt động quân sự là hoạt động đặc biệt, không kể thời gian, không gian, môi trường, thời tiết, khí hậu. Tính chất chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt, sẵn sàng phải đổ máu, hy sinh, vì thế nếu không gắn bó, đoàn kết với nhau thì không thể làm nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Giữa đời thường vẫn tỏa ngát tình chia sẻ, yêu thương

Tình đồng đội là tài sản thiêng liêng của những người đã trải qua quân ngũ, nhất là những người trải qua hoàn cảnh chiến đấu gian khổ, hy sinh. Ngay cả khi trở về đời thường, ngày gặp lại, họ vẫn tự hào gọi nhau bằng đồng chí. Những buổi gặp mặt nghĩa tình đồng đội thực sự ấm áp, ý nghĩa. Khi ấy những con người đồng cam cộng khổ có điều kiện kể về kỷ niệm chiến trường, ôn lại một thời gian khó.

Để gắn kết tình đồng đội, hiện nay, trên toàn quốc, các cựu chiến binh (CCB) đã tự nguyện tổ chức ra hàng trăm ban liên lạc để cùng nhau sinh hoạt, phát huy tinh thần đồng đội. Nhiều ban liên lạc CCB được tổ chức thành hệ thống từ toàn quốc đến cấp tỉnh, huyện như: Ban liên lạc Mặt trận Tây Nguyên-Quân đoàn 3; Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam; Ban liên lạc truyền thống Mặt trận 479...

Các ban liên lạc đã tổ chức cho CCB gặp mặt động viên, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, tổ chức các hoạt động giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, tinh thần yêu nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các CCB tổ chức nhiều hoạt động tưởng nhớ đồng đội hy sinh trong các cuộc chiến tranh, thăm chiến trường xưa, thăm nghĩa trang liệt sĩ, thăm đồng đội là thương binh, bệnh binh, giúp đỡ các gia đình CCB vượt qua khó khăn. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, thời gian qua, có rất nhiều hoạt động thiện nguyện, tri ân của các ban liên lạc CCB được tổ chức và lan tỏa trong xã hội. Với tình cảm ân nghĩa, thủy chung, các ban liên lạc CCB đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, vận động, quyên góp xây dựng hàng nghìn nhà tình nghĩa, trao học bổng tặng con em của đồng đội còn khó khăn, hỗ trợ các gia đình đồng đội xóa đói, giảm nghèo, góp phần ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình.

Trở về sau chiến tranh, nhiều CCB đã tình nguyện đi tìm hài cốt đồng đội. Nhiều câu chuyện cảm động về tình đồng đội cho dù âm dương cách biệt nhưng vẫn quyết đi tìm nhau cho vẹn nghĩa, trọn tình. Biết bao hoạt động giúp đỡ đồng đội là thương binh, bệnh binh gặp khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Điển hình như CCB Lê Đình Tài (phường Tân Tiến, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) mang trên mình hai vết thương với tỷ lệ thương tật 41% nhưng không cam chịu số phận, quyết chí vươn lên trở thành một doanh nhân thành đạt. Ông đã giúp đỡ nhiều đồng đội vượt qua hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, hỗ trợ nhiều hoạt động tình nghĩa của CCB. Dù trong hoàn cảnh nào, trong môi trường công tác nào, ông cũng luôn ý thức được bản thân là một CCB của Sư đoàn 341 anh hùng. Ông luôn giữ chất lính trong mình, hết lòng cống hiến, tri ân đồng đội, làm lan tỏa tình yêu thương con người trong cuộc sống hôm nay.

Không chỉ với những người đã trải qua chiến đấu, tình đồng đội còn là mạch nguồn chảy mãi tới thế hệ hôm nay. Những người mang trên mình bộ quân phục tự hào gọi nhau là đồng chí. Họ sát cánh bên nhau trong canh trực sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, lao động, học tập, công tác. Rất nhiều nhiệm vụ hoàn thành nhờ công sức, trí tuệ tập thể. Tình đồng đội gắn kết giúp phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân để tự khẳng định giá trị bản thân, cùng đóng góp vào nhiệm vụ chung của tập thể. Dù điều kiện, hoàn cảnh có đổi thay nhưng tình đồng đội luôn được phát huy, gắn kết những con người ở khắp mọi miền Tổ quốc trở thành một khối thống nhất, tạo nên sức mạnh vô địch.

Trong sinh hoạt đời thường, từ bữa ăn, giấc ngủ đồng đội cũng có nhau. Vào môi trường quân ngũ, bộ đội phải xa gia đình, người thân. Thế nên tình cảm đồng đội nảy sinh một cách tự nhiên. Họ luôn ở bên nhau chia sẻ những tâm sự buồn vui, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, động viên nhau vượt qua mọi trở ngại trong sinh hoạt, công tác.

Giữ gìn và phát huy truyền thống, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, thời gian qua và hiện nay, các đơn vị Quân đội luôn quan tâm chăm lo xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp để mọi quân nhân đều cảm nhận “đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ là anh em”. Tình đồng đội là nền tảng để xây đắp các mối quan hệ đó thực sự vững bền. Xây dựng tình đồng chí, đồng đội keo sơn giúp bộ đội thêm yêu mến, gắn bó với đơn vị, phát huy tình cảm, trách nhiệm, trí tuệ, tài năng để đóng góp, cống hiến cho sự trưởng thành, vững mạnh của đơn vị.

Trong xã hội hiện đại, mỗi con người có rất nhiều mối quan hệ đan xen. Nhưng có thể khẳng định rằng, với những người đã và đang ở trong môi trường quân ngũ khi nhắc đến tình đồng đội đều cảm thấy thiêng liêng, ấm áp, tự hào. Mỗi lĩnh vực, nghề nghiệp có những cộng sự, đồng nghiệp để hợp tác với nhau. Trong môi trường quân ngũ, đồng đội không chỉ cùng thực hiện chung nhiệm vụ mà còn chứa đựng trong đó tình cảm, trách nhiệm, yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau một cách vô tư, trong sáng. Đó là tài sản riêng có của Bộ đội Cụ Hồ được gìn giữ, nâng niu, trân trọng qua nhiều thế hệ. Tình đồng đội được xây đắp nên bằng những con người cụ thể, có sức sống bền bỉ trong tâm hồn, tình cảm bền vững của mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Vì vậy, mỗi quân nhân gìn giữ tình đồng đội thiêng liêng là thiết thực góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa Bộ đội Cụ Hồ, vì đó là một biểu tượng quý báu, một giá trị đạo đức, văn hóa cao đẹp của dân tộc và con người Việt Nam.

Thiếu tướng, GS, TS NGUYỄN VĂN TÀI, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Diễn đàn “Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ - Xứng đáng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” xem các tin, bài liên quan.