Bài 3: Điểm tựa trong sương lạnh Trường Sơn

“Ô chò pa na ngan” (Cảm ơn cán bộ-PV), tiếng nói và hình ảnh đồng bào dân tộc Mông đang sinh sống ở bản Thoọng Pẹ, tỉnh Bolykhamxay (Lào) đến Trạm xá Quân dân y kết hợp Thoọng Pẹ (Trạm xá BP), BĐBP tỉnh Hà Tĩnh để ăn Tết cổ truyền của dân tộc Mông vừa nói, vừa nắm chặt tay Thiếu tá, Bác sĩ Nguyễn Việt Đức và 2 y sĩ: Thượng úy Nguyễn Đức Toàn, Võ Phương Nam, khiến chúng tôi không khỏi xúc động xen lẫn tự hào. 

Chiến sĩ áo trắng ở bản Thoọng Pẹ

Khi được biết chúng tôi là đoàn nhà báo vừa từ Việt Nam sang đây thăm các cán bộ quân y BP cắm bản, ông Song Chớ Xồng (người dân tộc Mông - phó trưởng bản Thoọng Pẹ) phấn khởi trò chuyện:

leftcenterrightdel
Bác sĩ Nguyễn Việt Đức khám bệnh cho đồng bào sinh sống ở bản Thoọng Pẹ. 

- Các cán bộ BP ở đây tốt với dân bản lắm! Như cái Tết cổ truyền của dân tộc Mông này, cán bộ BP hỗ trợ cả con bò, làm 20 mâm cho tất cả đồng bào Mông ở đây đón Tết. Trước kia, đồng bào đâu được sum họp, vui vẻ như vậy. Ai đón Tết nhà đấy, may ra thì cùng anh em ruột thịt uống rượu thôi, không được vui.

Thời gian đầu đến đây, thấy cuộc sống đồng bào Mông còn gặp nhiều khó khăn, Tết về nhiều nhà không đủ ăn, các bác sĩ quân y ở trạm đã đề xuất với cấp trên, xin trích kinh phí từ hoạt động khám chữa bệnh để tổ chức cho dân tộc Mông đón Tết tập thể. Đề xuất của các anh được chấp thuận, vậy là từ đó trở đi, năm nào đồng bào cũng được chung vui tại Trạm xá BP.

Cái vui, làm ấm tình thân trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối đông. Ông Song Chớ Xồng kể cho chúng tôi nghe về các câu chuyện gắn bó đoàn kết giữa cán bộ BP với đồng bào dân tộc Mông nói riêng và đồng bào các dân tộc ở bản Thoọng Pẹ; về ân nghĩa cứu mạng của các bác sĩ biên phòng. Cách đây chưa đầy con trăng, em gái ông là Nàng Sớm Xồng 48 tuổi, đang nấu cơm bỗng nhiên mặt mũi tái xanh lại, lên cơn co giật. Đúng lúc ông đang có mặt ở đó, liền gọi điện cho bác sĩ Đức. Chưa đầy 5 phút, bác sĩ Đức có mặt, khám và chữa trị cho khỏi bệnh.

Nghe mọi người đề cập đến chuyện bệnh nhân Nàng Sớm Xồng, Thiếu tá Nguyễn Việt Đức nhớ lại: Hôm đó, bệnh nhân Nàng Sớm Xồng bị cao huyết áp kịch phát. Nếu đến chậm có nguy cơ biến chuyển thành tai biến mạch máu não rất nguy hiểm. Tôi cho bệnh nhân thở ô xy, hạ huyết áp, uống thuốc lợi tiểu, trợ tim chống đông máu, tăng cường tuần hoàn và an thần. Nhờ vậy, tình trạng cơn bệnh cao huyết áp được khống chế và bệnh nhân từ từ được hồi phục.

Thoọng Pẹ là một bản Lào nằm sát biên giới với Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Hiện nay bản có 453 hộ dân (trong đó có 40 hộ nghèo) và 2.716 nhân khẩu sinh sống. Trước khi có Trạm xá BP, khi bị bệnh, đồng bào ở đây thường mời thầy mo, thầy cúng về mổ trâu giết lợn để cúng con ma rừng. Vệ sinh môi trường bị ô nhiễm nặng do các tập tục nuôi trồng lạc hậu. Người dân không ăn chín, uống sôi, lại thường kết hôn cận huyết thống… nên có nhiều vấn đề về sức khỏe. Được sự thống nhất giữa các cấp chính quyền giữa hai nước Việt Nam và Lào, năm 2007, Trạm xá Quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ được khánh thành nhằm giúp đồng bào các dân tộc sinh sống ở Thoọng Pẹ nâng cao nhận thức trong chăm sóc sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật…

Thiếu tá Nguyễn Việt Đức đã bước sang năm thứ 7 làm nhiệm vụ ở Trạm xá Thoọng Pẹ. Chừng ấy thời gian mang đến bao cho anh kỷ niệm vui, buồn không quên để rồi chúng là sợi dây thắt chặt tình người, là thử thách, là sự động viên người bác sĩ quân y vượt khó, phát huy trách nhiệm trong nhiệm vụ “cứu người”. Ngày anh mới chân ướt, chân ráo đến đây, vừa đặt balô xuống, chưa kịp nghỉ ngơi thì người nhà đưa Nàng Vi Xồm, người thị trấn Lak Sao đến điều trị. Anh Đức lúc này chưa biết tiếng đồng bào, không thể trao đổi hỏi chuyện để khám bệnh. Trong cái khó, ló cái khôn, Thiếu tá Nguyễn Việt Đức nhấc ngay điện thoại, gọi cho một người bạn người Lào, biết cả tiếng Mông và tiếng Việt, tên là Ủm Sa Văn ở bản Na Hạt, rồi bật loa ngoài. Vậy là cuộc khám bệnh "qua trung gian" được tiến hành, người hỏi, người dịch, người trả lời, người dịch. Qua chẩn đoán, Nàng Vi Xồm bị sốt virus, bác sĩ Đức liền bổ sung nước điện giải, giảm đau hạ sốt và bổ sung vitamin cho bệnh nhân. Nhờ vậy sức khỏe Nàng Vi Xồm dần hồi phục.

Sau ngày đó, bác sĩ Đức bắt đầu tự học tiếng đồng bào Mông, tiếng Lào Nùng, Lào Thái để giao tiếp và phục vụ công tác chữa bệnh. Không những thế, anh còn nghiên cứu về văn hóa các dân tộc trên địa bàn để nhanh chóng thích nghi với môi trường và làm công tác vận động đồng bào trong chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, anh cũng là thầy giáo dạy tiếng dân tộc cho các cán bộ khác được phân công nhiệm vụ ở trạm. “Bác sĩ, quân y BĐBP Việt Nam tốt với dân bản lắm, cán bộ bản và người nghèo đều được khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí. Uống thuốc của bác sĩ quân y BĐBP Việt Nam cho, chúng tôi hết bệnh và có sức khỏe làm việc. Đối với người dân sống ở Thoọng Pẹ, Trạm xá BP như ngôi nhà chung và cán bộ quân y BĐBP Hà Tĩnh là người thân trong nhà vậy đó!” - ông U Đáy (người dân tộc Lào Nùng), trưởng bản Thoọng Pẹ khẳng định.

leftcenterrightdel
BĐBP Hà Tĩnh khám chữa bệnh giúp dân ở bản Thoọng Pẹ.

Xóm mới khởi sắc

 “Tết này có to không chú?”, Thiếu tá Trần Vương Anh, Chính trị viên phó Đồn BP Hương Quang, BĐBP tỉnh Hà Tĩnh hỏi vọng lại khi thấy ông Nguyễn Thanh Sơn ở xóm Kim Quang (mới), khu tái định cư Hói Trung, xã Hương Quang (mới), huyện Vũ Quang đến. “Năm nay lại to hơn năm cũ tí thôi”, ông Sơn trả lời. “Ấy, thế mà trước đây sao phải động viên mãi mới về đây thế?”-Thiếu tá Vương Anh nhắc vui làm ông Sơn chỉ biết cười xòa.

Tháng 3-2016, thực hiện dự án tích nước hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang, 3 xã Hương Quang, Hương Thọ, Hương Điền và một phần thị trấn Vũ Quang sẽ bị chìm xuống lòng hồ. Khi nghe đến dự án, lòng đồng bào nhân dân sinh sống tại các địa điểm phải di dời rất hoang mang. Gia đình ông Sơn cũng nằm trong số đó. Ngày ấy, ăn ở với đất rừng Hương Quang (cũ) quen rồi! Tuy chưa đủ no, nhưng đói thì lên rừng hái rau, săn bắn. Rồi muốn có tiền thì lại đi rừng kiếm lâm thổ sản, hơn nữa gần Đồn BP Hương Quang nên tối lửa tắt đèn, ốm đau đều có BĐBP giúp đỡ. Nay lại phải xa rời chốn đó và "về phố", ông Sơn cùng các thành viên trong gia đình hoang mang vì "bỏ rừng là bỏ nguồn sống". Lúc ấy, cán bộ Đồn BP Hương Quang cùng chính quyền địa phương các cấp đến động viên mãi cũng không lay chuyển. Đến cuối khi đích thân cán bộ BĐBP hứa sẽ giúp đỡ, ông Sơn mới đồng ý về nơi ở mới.

Dự án Ngàn Trươi – Cẩm Trang đã cô lập đồn BP với khu tái định cư bằng một hồ rộng mất khoảng 2 tiếng đi thuyền máy và hơn 20km đường bộ. Ngày đầu giúp các hộ dân ở khu tái định cư ổn định cuộc sống, cán bộ, chiến sĩ BP hằng ngày phải hành quân từ sáng sớm để kịp đến giúp dân. Ai cũng phải phát huy hết tinh thần trách nhiệm, làm việc không ngơi nghỉ để rồi chiều sớm lại phải nhanh chóng hành quân về đơn vị.

Vất vả là vậy, nhưng tất cả các gia đình đều được BĐBP di dời nhà cửa và của cải vật chất. Đi thăm khu tái định cư, chúng tôi cảm nhận được niềm hân hoan của đồng bào được di rời đến đây. Được giao đất, giao rừng, được chỉ bảo kinh nghiệm sản xuất, được hỗ trợ và truyền đam mê lao động, nên đời sống đồng bào ngày càng phát triển. Trước khi về đây, tỉ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 35%, thì bây giờ chỉ còn 3 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo (chiếm chưa tới 1%). Đa số các hộ thuộc diện này đều là hộ neo đơn, không có sức lao động. Như bà Nguyễn Thị Xuân, chồng bị bệnh hiểm nghèo mất sớm. Có con trai đi làm ăn xa. Giờ bà sống một mình. Trước tình cảnh trên, hàng tháng hoặc vào các dịp lễ tết, đồn Biên phòng Hương Quang đều cử cán bộ đến thăm, hỗ trợ gạo, khám bệnh, nên cũng rất yên tâm sinh sống ở đây.

Quay lại trên con đường cũ, chúng tôi đã thấy ông Sơn đứng ngoài cửa chờ đợi. Gặp lại chưa kịp chào, ông Sơn đã nhiệt tình mời chúng tôi ghé vào nhà thưởng thức giống gà ri cao sản ông đang nuôi thử nghiệm. Hóa ra lúc đầu vừa rời đi, biết chúng tôi thể nào cũng quay lại ngang nhà khi ra về, nên ông Sơn đã ra vườn chọn con gà béo tốt nhất đàn để "mần thịt" . Tuy đã muộn, và đường về đơn vị còn xa ngái, nhưng cũng không thể phụ tấm lòng ông Sơn, chúng tôi vào nhà nâng ly rượu thơm nồng cùng chủ nhà. Ông Sơn tâm sự:

-  Vừa đến đây, chưa kịp có cảm giác lạ với nơi ở mới, thì cán bộ BĐBP đã đến hướng dẫn và giúp đỡ, vận động tôi bắt tay vào làm vườn ao chuồng: Trồng cam, nuôi ong lấy mật, nuôi lợn, cá… Quanh đi quẩn lại, đã được thu hoạch kiếm được tiền ngay tại chỗ. Tuy phải lao động, nhưng nhàn hơn là trèo đèo, lội khe, vạch rừng để kiếm tiền. Đến giờ, không những ăn đủ mà bữa cơm gia đình lúc nào cũng ngon.

Cuộc vui qua mau, phút chia tay, vẻ mặt và ánh mắt ông Sơn đầy nuối tiếc. Vẻ mặt này, chúng tôi đã bắt gặp ở nhiều đồng bào các nơi có đồn, trạm của BĐBP tỉnh Hà Tĩnh mà chúng tôi vừa đi qua. Bịn rịn là vậy, nuối tiếc là vậy nhưng sao chúng tôi thấy ấm lòng trước những làn sương mờ, lạnh của núi rừng Trường Sơn đang tỏa ra khi ánh nắng tắt dần...

Bài và ảnh: VIỆT HÀ – PHẠM KIÊN