Bộ đội Cụ Hồ Điện Biên

Cắp sách tới trường, hình ảnh đầu tiên trong ký ức của tôi là chú bộ đội. Nhớ mãi, chiều ấy, trên đường từ trường về, tôi gặp một người đàn ông lưng mang ba lô ”bạc đà” đồng phục màu cỏ úa, mũ ngụy trang. Mẹ tôi bảo đó là chú Dân, bộ đội vừa đánh trận Điện Biên Phủ về thăm nhà. Tôi đứng ngẩn tò te, ngắm chú Dân. Tôi nói với mẹ, chú bộ đội Điện Biên đẹp quá. Mai kia lớn lên con cũng làm bộ đội. Mẹ vuốt tóc tôi: “Cố học giỏi đi con. Lớn lên mẹ cho đi bộ đội như chú Dân”. Mấy ngày ấy, hình ảnh chú Dân, bộ đội Điện Biên cứ chập chờn trong suy nghĩ của tôi. Tan trường, tôi len lén sang nhà chú Dân chơi để khám phá xem chú Dân là người như thế nào mà được mọi người yêu quý đến thế. Khác trước, từ ngoài cổng, tôi thấy chú Dân không mặc quân phục màu cỏ úa mà cởi trần, mặc quần cụt từ dưới ao bước lên. Người lấm đầy bùn, hai mắt chú đỏ hoe. Mẹ chú Dân nói với bà hàng xóm: “Thằng Dân nhà tôi về tranh thủ được mấy ngày. Nó móc bùn ao giúp mẹ bón cho vườn cam và khai thông ao, nuôi lứa cá mè mới”.

Chưa hết, ngày hôm sau, tôi còn thấy chú Dân mặc áo ba lỗ màu xám kiểu bộ đội xới vườn. Mồ hôi nhễ nhại, nhưng lúc nào chú Dân cũng cười. Chú kể cho chúng tôi nghe bộ đội ta đã kéo pháo vào Điện Biên Phủ như thế nào? Thằng Tây đã đầu hàng bộ đội ta ra sao. Từ câu chuyện của chú Dân, tôi mới biết, vì sao những người lính vệ quốc được gọi là Bộ đội Cụ Hồ. Bộ đội Cụ Hồ không chỉ đánh giặc giỏi mà còn lao động, giúp dân, giúp việc nhà giỏi.

Ít lâu sau, tôi được mẹ dẫn về thăm quê ngoại ở Hải Phòng. Xe cộ di chuyển thời ấy cực kỳ khó khăn. Chen mãi mẹ con tôi mới lên được chiếc xe đã cũ kỹ, ọc ạch. Một hình ảnh nữa lại in sâu trong ký ức của tôi. Ấy là việc chú bộ đội mặc quân phục y hệt chú Dân đang ngồi trên ghế. Thấy cụ già bước lên xe, chú ấy đã chạy lại đỡ cụ và nhường ghế của mình cho cụ...

Cứ thế, mỗi lần gặp bộ đội là tôi có thiện cảm ngay. Tôi nghĩ đó là con người đẹp nhất mà tôi từng gặp. Tôi ước ao, có dịp, sẽ trở thành Bộ đội Cụ Hồ.

Và, ước mơ ấy đã thành sự thật. Đầu mùa hè năm 1970, khi chúng tôi đang gấp rút ôn tập để thi tốt nghiệp cấp 3 thì nhà trường thông báo, chiến trường đang diễn ra quyết liệt. Nhà nước có lệnh động viên. Thầy và trò tình nguyện lên đường đánh giặc. Tôi và Vũ Viết Vô cùng một số bạn học cùng lớp viết đơn tình nguyện vào bộ đội.

Dâng hiến, nét đẹp nhất của Bộ đội Cụ Hồ

Đó là giai đoạn quyết liệt nhất trước khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chúng tôi hành quân vượt Trường Sơn vào Nam Bộ, khi chiến cục mở rộng khắp miền Nam và lan sang cả nước bạn Lào và Campuchia. Ở miền Đông Nam Bộ, nơi Công trường 5 (Sư đoàn 5) của chúng tôi tham chiến diễn ra chiến dịch Nguyễn Huệ, giải phóng Lộc Ninh làm cơ sở xây dựng thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam. Và ngay sau đó là trận chốt chặn quyết liệt ở mặt trận Chơn Thành - Bình Long, đường 13, Tàu Ô - Xóm Ruộng. Sư đoàn 5 của chúng tôi, sau khi giải phóng Lộc Ninh đã hành quân khẩn tốc xuống đồng bằng sông Cửu Long. Nhiệm vụ đầu tiên là đánh chiếm cứ điểm Long Khốt và các căn cứ của địch dọc biên giới Việt Nam- Campuchia. Mục tiêu là giành dân, giữ đất, chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định Paris ( 27-1-1973) về chiến tranh Việt Nam, đồng nghĩa với việc Mỹ phải rút quân về nước.

Trung đoàn 174 là đơn vị chủ công giải phóng Lộc Ninh (4-1972), nay lại được giao chủ công đánh chiếm yếu khu Long Khốt. Từ tháng 6 năm 1972 đến tháng 4 năm 1974, Trung đoàn chúng tôi đã cùng các đơn vị bạn “quần nhau với giặc”. Chỉ tính riêng hai đợt (6/ 1972) và (4/1974), bộ đội ta đã hy sinh ở khu vực này hơn 1.200 người, trong đó riêng Trung đoàn 174 có hơn 700 liệt sĩ.

Tôi đã gặp ở đây rất nhiều người lính Bộ đội Cụ Hồ. Những người lính ấy, coi cái chết “nhẹ như lông hồng“. Hình như lúc ấy, mọi người đều xác định như thế. Vào chiến trường là để chiến đấu và sẵn sàng hy sinh bất cứ lúc nào khi tổ quốc cần.

Bây giờ, chuyện ấy kể ra như cổ tích. Thay vì hỏi thăm ai còn ai mất, lúc đó chúng tôi gặp nhau thường “đùa“: Thằng A, thằng B còn không ?“. Câu hỏi chua chát, đẫm nước mắt.

Niềm tin vào sự toàn thắng như sắt đá. Nhưng dường như ai cũng xác định, muốn có ngày toàn thắng ấy, phải có sự hy sinh. Mà mình thì không phải trường hợp ngoại lệ !

Một kỷ niệm không thể phai mờ. Hồi ấy tôi làm trợ lý chính trị tiểu đoàn. Anh Văn Vũ là chính trị viên phó tiểu đoàn, thủ trưởng trực tiếp của tôi. Đánh Long Khốt đợt 2, anh Vũ được phân công trực tiếp đi với một đại đội. Hình như biết trước sự khốc liệt của trận đánh, trước khi xuất phát, anh Vũ dặn tôi: “Trận này khó khăn lắm. Nếu anh không về thì chú ở lại giữ gìn sức khỏe để tiếp tục chiến đấu nhé? Anh chỉ thương chị còn quá trẻ và đứa con đầu lòng mới ra đời”.

Nghe anh Vũ nói mắt tôi nhoè đi. Tôi không tin chuyện ấy sẽ đến dẫu biết rằng mọi thứ đều có thể xảy ra.

Quả nhiên, trưa hôm sau, trận đánh kết thúc. Trong số những người trở về không có anh Vũ. Người ta bảo, anh Vũ đã hy sinh khi cùng đại đội mở cửa hàng rào.

Tối hôm ấy, tôi cùng anh em làm công tác tử sĩ. Tôi cố tìm anh Vũ trong số hàng chục liệt sĩ. Nhưng không nhận ra anh, bởi pháo bom địch đã cày nát trận địa. Chôn cất xong đồng đội thì đã quá nửa đêm. Suốt đêm ấy tôi không thể nào nhắm mắt được. Hình bóng anh Vũ và các đồng đội cứ chập chờn ẩn hiện. Tôi thương anh Vũ thật nhiều. Lúc rảnh rỗi, anh em thường tâm sự. Anh Vũ kể, tốt nghiệp đại học, anh về quê làm cán bộ kỹ thuật hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Có lệnh nhập ngũ, anh chia tay người vợ trẻ mới cưới lên đường vào Nam. Khi nhận được tin có con trai đầu lòng, anh mừng khôn siết. Lúc vui anh hay đùa: “Tớ hơn các cậu rồi, đã có thằng chống gậy. Nay có đi theo đồng đội cũng không ân hận gì ! “...

Những người lính Bộ đội Cụ Hồ thời ấy xác định như thế. Tôi bỗng nhớ đến câu thơ của Tố Hữu: “Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng. Lòng khỏe nhẹ anh dân quê sung sướng. Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành. Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh...” (Trăng trối).

Anh Vũ ơi, anh và đồng đội của em đúng là những người “dân quê ngả mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành”. Nhưng chỉ có điều, “thửa ruộng chưa cày xong “- cứ điểm Long Khốt vẫn như cái gai trước mặt...

Sự hiến dâng tính mạng khi tổ quốc cần là phẩm chất cao đẹp nhất của bộ đội Cụ Hồ. Đó không chỉ là trường hợp của người chỉ huy, người lính trí thức Văn Vũ sinh ra từ quê hương Nam Định mà còn của tất cả những người lính bình thường khác. Ấy là bạn bè, đồng đội, những người thân yêu ruột thịt của tôi.

Trong số ấy có hai gương mặt mà tôi không bao giờ có thể quên được. Người thứ nhất là Vũ Viết Vô, bạn đồng môn lớp 10A và cũng là đồng đội cùng nhập ngũ với tôi tháng 4 năm 1970.

Sau mấy tháng huấn luyện cấp tốc, tháng 11- 1970, chúng tôi hành quân vào chiến trường. Vũ Viết Vô được giao tiểu đội trưởng còn tôi là tiểu đội phó. Vốn là học sinh giỏi , chữ đẹp, tính tình hiền lành, chững chạc, Vô được kết nạp vào Đảng trên đường Trường Sơn. Tháng 2 năm 1971, chúng tôi đến miền Đông Nam Bộ. Vũ Viết Vô được chọn bổ sung xuống Trung đoàn 174 làm trung đội trưởng. Đêm chia tay, trong căn cứ Suối Dù, chúng tôi gần như không ngủ. Vô kể với tôi về những kỷ niệm hồi học chung lớp, về những ngày huấn luyện đi B ở Nho Quan, Ninh Bình.

Và, như bất cứ người lính nào trước khi ra trận, tin ở sự toàn thắng, nhưng với mình luôn sẵn sàng tình huống xấu nhất, “ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành”. Vô bảo: “Chiến tranh không nói trước được điều gì. Thôi, nếu còn sống sót, hẹn gặp nhau ngày thống nhất đất nước“. Nhưng ngày thống nhất đất nước, cũng như bao đồng đội khác, Vũ Viết Vô không trở về. Anh đã hy sinh trong trận đánh chiếm cứ điểm Ka - rết.

Người thứ hai là Trần Văn Thiềng, em trai của tôi. Năm 1970 tôi hành quân vào Nam Bộ thì hai năm sau, em trai tôi nhập ngũ. Cùng đồng đội, Thiềng vượt Trường Sơn vào chiến trường.

Bố mẹ tôi sinh ra 5 anh em trai, Thiềng là người hiền lành, đẹp trai nhất. Dáng cao to, da trắng, nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi, Thiềng đi đến đâu mọi người cũng yêu quý. Ở nhà Thiềng nổi tiếng là tay “rái cá”. Mùa hè nóng nực hay mùa đông giá rét, Thiềng không “xuất quân“ thì thôi; đã đeo giỏ, mang lơm ra đồng là thế nào cả nhà cũng có bữa cá tôm tươi cải thiện...

Từ năm 1973 đến năm 1975, chúng tôi đánh địch ở chiến trường đồng bằng sông Cửu Long. Tôi không ngờ em trai mình cùng chiến đấu ở đây.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, tôi đang tìm em thì được tin Thiềng hy sinh.

Sau này, các cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 24, đơn vị của em trai tôi cho biết, Trần Văn Thiềng đã hy sinh tháng 12 năm 1973 tại huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang ). Tôi như chết nửa người.

Hai anh em cùng chiến đấu trên một chiến trường mà chưa bao giờ gặp nhau. Theo lời chỉ dẫn của đồng đội, gia đình chúng tôi đã đi tìm phần mộ của Trần Văn Thiềng. Nhưng mấy chục năm rồi vẫn vô vọng...

Thời gian là thước đo mọi giá trị. Mấy chục năm trôi qua, độ lùi thời gian giúp người ta ngộ ra nhiều điều. Tôi tự lý giải, vì sao người lính bộ đội Cụ Hồ được nhân dân tin yêu đến thế. Có nhiều nguyên do, nhưng có lẽ sự hiến dâng, hy sinh tính mạng và quyền lợi riêng tư cho hạnh phúc của người khác là phẩm chất chói ngời của người lính vệ quốc; xứng đáng với danh xưng cao quý mà nhân dân trao tặng: Bộ đội Cụ Hồ.

Đôi điều suy ngẫm

Quân đội nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Người vừa là người Cha thân yêu vừa là Tổng Tư lệnh tối cao của các Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Năm 2019 này, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trọng thể kỷ niệm lần thứ 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12). Đúng như thế, thời gian và lịch sử của mấy cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ tổ quốc đã giúp chúng ta có đủ cơ sở về lý luận và thực tiễn để nhìn nhận về một đội quân từ nhân dân mà ra; vì nhân dân mà hy sinh, chiến đấu. Điều ấy, theo tôi thể hiện ở những điều lấp lánh sau đây:

Thứ nhất, càng có độ lùi thời gian, chúng ta càng khẳng định vị trí vai trò, chiến công và phẩm chất của Quân đội nhân dân Việt Nam với sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước. Có thể khẳng định từ trước đến nay trong lịch sử đánh giặc giữ nước của dân tộc ta chưa bao giờ có một đội quân, một quân đội như thế. Quân đội nhân dân Việt Nam thật xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân; sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng“.

Thứ 2, để xây dựng nên truyền thống vẻ vang ấy, bên cạnh sự lãnh đạo của Đảng, sự thương yêu đùm bọc của nhân dân, còn có yếu tố mang tính quyết định đó là sự phấn đấu, hy sinh của các thế hệ người lính Bộ đội Cụ Hồ. Chính họ và không ai khác, bằng máu xương, mồ hôi, sức lực, trí tuệ của mình đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang của quân đội ta. Đối với tôi, họ không xa lạ mà gần gũi như chú Dân,bộ đội Điên Biên, như chính trị viên phó tiểu đoàn Vũ, như bạn tôi Vũ Viết Vô và như em trai tôi liệt sĩ Trần Văn Thiềng...

Thứ 3, con người là sản phẩm xã hội. So sánh khập khiễng. Nhưng giá trị bao giờ cũng có mẫu số chung. Mẫu số chung cho phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ là sự tận trung với nước, tận hiếu với dân; sẵn sàng chiến đấu hy sinh cái tôi của mình vì sự nghiệp cách mạng, vì hạnh phúc của nhân dân.

Bộ đội Cụ Hồ xuất phát cũng là những con người bình thường, cũng có ưu, có khuyết. Nhưng do học tập và rèn luyện lại được thử thách trong môi trường khắc nghiệt nên những người lính Bộ đội Cụ Hồ có phẩm chất cách mạng trong sáng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, được nhân dân tin yêu, giúp đỡ.

Tuy vậy, công bằng nhìn nhận, do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, trong quân đội ta hiện nay không phải không có những “hạt sạn - những con sâu làm rầu nồi canh”. Những hạt sạn, con sâu ấy không nhiều, nhưng đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh cao đẹp của người lính Bộ đội Cụ Hồ. Đó là những cán bộ chiến sỹ, trong đó có cả sĩ quan cấp tướng do không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bị tha hoá, biến chất. Có người đã vướng vào vòng lao lý...

Dẫu vậy, chắc chắn chúng ta vẫn nghĩ, nói đến bộ đội Cụ Hồ là phải nói đến những cán bộ chiến sĩ đang hiến dâng tuổi xuân của mình cho đất nước, đang kiên cường trụ bám nơi hải đảo, biên cương xa xôi, đang vượt lên những khó khăn thách thức để góp phần bảo vệ từng tấc đất, vùng trời, vùng biển thiêng liêng của tổ quốc ; vì sự bình yên của mỗi mái nhà Việt Nam. Họ là những người lính Bộ đội Cụ Hồ đích thực !

Thứ 4, để Quân đội nhân dân Việt Nam đủ sức bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, chúng tôi kiến nghị, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục chăm lo cả về tinh thần và vật chất. Bên cạnh sự chăm lo xây dựng tư tưởng và tổ chức cho quân đội cần cải tiến các chính sách, chế độ để quân đội đủ mạnh bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Đến lượt mình, cán bộ chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng cần xác định rõ trách nhiệm chính trị, không ngừng học tập, rèn luyện xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.

Chúng ta trân trọng sự cống hiến hy sinh của Quân đội nhân dân Việt Nam và góp phần tiếp thêm sức mạnh cho người lính Bộ đội Cụ Hồ hoàn thành sứ mạng mà Đảng và nhân dân giao phó.

TP Hồ Chí Minh, 4 – 2019

TRẦN THẾ TUYỂN (bút ký)