“Gia đình thứ hai”
Mùa thu năm 1984, lần đầu tiên tôi “xuất ngoại”. Sau khi hạ cánh xuống Moscow, tôi lên tàu về Minsk, thủ đô của Cộng hòa XHCN Xô viết Belorussia (ngày nay là Cộng hòa Belarus). Tại đây, tôi theo học Khoa Ngôn ngữ thuộc Trường Đại học Sư phạm Maxim Gorki.
Mùa đông đến rất nhanh và đó cũng là lần đầu tiên tôi được đón tuyết đầu mùa. Chỉ được biết qua sách, báo, ti vi trước đây nên tôi vô cùng hào hứng đùa nghịch với những bông tuyết trắng xóa mềm nhẹ. Tuy nhiên, hôm sau đến lớp, tôi bắt đầu thấy họng đau rát, người nóng hầm hập, có lẽ do bị cảm lạnh vì dầm mình dưới tuyết. Cô giáo thấy tôi mệt đã đưa tôi xuống phòng y tế khám và cho tôi nghỉ học về nhà. Trên đường đi bộ về ký túc xá, người mệt lả, tôi ngồi sụp xuống một chiếc ghế đá rồi lịm đi, chỉ nhớ có một người bước lại hỏi tôi điều gì đó.
 |
Tác giả (thứ hai, từ trái sang) cùng các bạn học tại ga tàu ở Minsk trước khi khởi hành đi Moscow để trở về Hà Nội. |
Khi tôi tỉnh lại thì thấy mình đang nằm trên chiếc giường đệm ấm áp trong một căn hộ nhỏ. Ngồi bên tôi là một người phụ nữ phúc hậu, đôi mắt nâu; cạnh bà là người đàn ông có gương mặt chất phác với mái tóc điểm bạc và một cô bé xinh xắn chừng 15 tuổi. Tôi được uống sữa nóng và ăn súp củ cải đỏ với bánh mì đen. Tôi đã quen với gia đình bà Maria, ông Viktor và bé Tanhia như vậy đấy.
Cảm thấy người dễ chịu hơn, chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Tôi kể về Việt Nam, về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, về Hà Nội nơi tôi sinh ra và lớn lên, về những sinh viên Việt Nam sang học ở đây. Bà Maria rớm nước mắt chia sẻ về thời kỳ phát xít Đức chiếm đóng Belorussia và những mất mát của gia đình bà trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy. Từng là một người lính, ông Viktor rất xúc động khi nghe về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của quân và dân Việt Nam. Đến tối hôm đó, bà Maria cho tôi một chiếc khăn quàng cổ thật ấm và đưa tôi về tận ký túc xá. Từ đó, cứ vài ngày tôi lại sang chơi với gia đình bà Maria. Có hôm tôi đi học về muộn không sang được thì ông bà hoặc Tanhia lại sang ký túc xá thăm tôi và mang cho tôi nhiều đồ ăn. Tôi cảm nhận được tình cảm vô cùng ấm áp, thân thương mà gia đình bà Maria dành cho tôi-một cô gái Việt Nam xa nhà. Ông Viktor và bà Maria gọi tôi là “con gái”. Thế là, ngoài bố mẹ ruột, lần đầu tiên tôi vui sướng gọi một người phụ nữ, một người đàn ông xứ bạch dương là mẹ, là bố.
Một lần, tôi nói thèm ăn ngô luộc mà ở Việt Nam mẹ tôi vẫn thường đi chợ mua về. Thế là chiều chủ nhật tuần đó, ông Viktor lái xe chở tôi và bé Tanhia về quê nhà của ông ở ngoại ô. Về đến nơi, ông xuống đồng tự tay hái cho tôi đầy một túi ngô non. Nhìn dáng ông nhanh nhẹn dưới đồng ngô, tôi liên tưởng đến bố mình lúc chạy bắt cho tôi những con muồm muỗm trên ruộng lúa ở nơi sơ tán năm 1972. Chính không khí đầm ấm, những cử chỉ quan tâm chu đáo và đầy tình thân trong “gia đình thứ hai” ấy giúp tôi phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ Việt Nam.
Thời gian cứ thế trôi nhanh như cái chớp mắt, tôi đã hoàn thành khóa học. Sau khi lưu luyến chào từ biệt mọi người trong ký túc xá, chúng tôi ra ga tàu đi Moscow. Vừa bước lên xe, tôi giật mình nghe thấy tiếng gọi quen thuộc. Tôi ngoái lại và không khỏi bất ngờ vì mẹ Maria của tôi đang hối hả chạy đến, trên tay cầm một em búp bê xinh xắn. Bà đặt món quà vào tay tôi và khẽ nói: “Mong con luôn gặp mọi điều tốt lành! Chúng ta luôn nhớ con!”. Ôm chặt mẹ Maria, tôi không nói nên lời... Có lẽ mẹ đã hiểu cảm xúc lúc đó của tôi nên giục tôi lên xe. Xe chuyển bánh, bóng người phụ nữ nhân hậu, tần tảo khuất xa dần.
Tiếng vọng Zitomir
Một thời gian sau, tôi được cử trở lại Liên Xô làm phiên dịch theo một chương trình hợp tác quốc tế của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Lần này, tôi đến thành phố Zitomir, cách thủ đô Kiev của Ukraine khoảng 140km về phía tây.
Ngày ấy, ngoài giờ làm việc của đoàn ở nhà máy, tôi còn đi phiên dịch cho các bác sĩ Việt Nam ở Khoa Y học cổ truyền của một một bệnh viện và đi học tiếng Anh. Cô giáo dạy tiếng Anh của tôi, Galina Vacilevna, là một người rất kỳ lạ. Lần nào đến lớp, tôi cũng đã thấy cô ngồi ở bàn giáo viên rồi; khi hết giờ, chúng tôi ra về thì cô vẫn ngồi ở đó. Trong giờ, cô giáo dạy rất nhiệt tình nhưng chưa bao giờ tôi thấy cô đứng lên. Cô nói tiếng Anh rất hay, mỗi khi cần viết thì cô viết vào một cái bảng nhỏ rồi giơ lên cho chúng tôi thấy. Là người Việt Nam duy nhất trong lớp và lại ngồi bàn đầu nên cô giáo thường chú ý đến tôi. Cô thường gọi tôi đọc bài và sửa rất kỹ các bài viết của tôi. Nhiều lần, tôi cố ý nán lại để ra về cùng cô, nhưng cô đều bảo tôi về trước vì cô còn làm một số việc nữa.
Bỗng một lần, khi tôi đang phiên dịch ở bệnh viện thì cô y tá nói rằng có một bệnh nhân khá nặng, hai chân bị co cứng đã lâu, phải đi lại bằng nạng rất khó khăn, không biết nếu châm cứu thì có đỡ được không. Tôi nói lại với bác sĩ Vĩnh, khi đó là bác sĩ chính của bệnh viện và cùng ông vào thăm khám cho bệnh nhân. Bước vào phòng, tôi chỉ thấy lưng của một người phụ nữ. Khi cô quay lại, tôi rất ngỡ ngàng-đó chính là cô giáo dạy tiếng Anh mỗi buổi tối của tôi. Lúc ấy tôi mới hiểu vì sao cô không bao giờ đứng lên trong giờ dạy và luôn từ chối về cùng tôi.
Rồi chúng tôi trở nên thân thiết. Cô chia sẻ rằng năm 1942, phát xít Đức tấn công vào ngôi làng của gia đình cô. Bố mẹ cô đều bị chúng sát hại, cô khi đó mới 3 tuổi thì bị ném từ tầng 2 xuống. Nhờ dân làng cứu chữa, cô đã thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” nhưng hai chân bị gãy và không thể phục hồi được. Với nghị lực phi thường, cô học hết phổ thông và tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành tiếng Anh tại Đại học Sư phạm Zitomir. Cô không lập gia đình. Hằng ngày, cô đi dạy tiếng Anh và lấy đó làm niềm vui.
Thời kỳ đó, đôi lúc tôi bị ốm vì không quen với thời tiết lạnh và khô. Có đợt tôi sốt cao, phải vào nằm viện thì ngày nào cô cũng chống nạng đến thăm tôi. Một hôm, cô vào thăm và đưa cho tôi một chiếc hộp vuông vắn. Khi mở ra, tôi quá ngạc nhiên và thốt lên: “Trời ơi, là hộp cơm”. Biết người Việt Nam thường ăn cơm, cô đã học cách nấu cơm rồi mang vào viện cho tôi. Nhìn hộp cơm, tôi nghẹn lòng. Hôm ấy, tôi đã ăn thật ngon lành. Thấy vậy, cô rất vui, cười vô cùng trìu mến. Khi ra viện, tôi trở lại lớp học. Sau các buổi học, hai cô trò lại dành thời gian đi dạo trong công viên gần trường, trò chuyện về đủ thứ trên đời. Mỗi khi có người đi qua chào và hỏi: “Con gái cô à?”. Cô trả lời ngay mà không ngần ngại: “Vâng, con gái tôi đấy!” và giải thích: “Cháu nó tóc đen, mắt đen giống bố!” rồi cười dí dỏm.
Trước ngày tôi về nước, cô Galina chuẩn bị cho tôi đủ thứ như cho một đứa con. Tôi biết, trong lòng cô hy vọng một ngày tôi sẽ trở lại. Cô chống nạng đưa tôi ra tận sân ga đi Moscow để bay về nước. Cô cứ nắm chặt tay tôi. Cái khăn choàng rộng màu đen của cô bay trong gió không che nổi đôi nạng cũ. Nhiều năm trôi qua, tôi không thể nào quên được hình ảnh hôm ấy cùng nỗi nhớ xứ sở bạch dương.
NGUYỄN THỊ PHƯƠNG LIÊN