Đây là hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiêu biểu, là dịp  giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm; đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tạo điều kiện cho người có uy tín được cống hiến, đóng góp, tham gia hiệu quả vào các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng-an ninh (QP-AN) ở địa phương.

leftcenterrightdel
 Đoàn đại biểu người có uy tín tiêu biểu vùng Tây Bắc dâng hương tại Đền Hùng.

Những tấm gương tiêu biểu được tôn vinh, tuy lời nói, việc làm của họ rất bình dị, nhưng lại có sức thuyết phục, lôi cuốn mạnh mẽ. Ông Lì Xuyến Phù, dân tộc Hà Nhì, hàng chục năm qua luôn gắn bó với vùng đất biên cương A Pa Chải (tỉnh Điện Biên), tích cực tham gia lực lượng dân quân, cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ bình yên biên giới, phòng chống tội phạm, vận động nhân dân trồng rừng và xóa bỏ trồng cây thuốc phiện. Nghệ nhân Lò Văn Biến, ở bản Cang Nà, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái được người dân trong vùng tôn vinh là “pho sử sống”, khi gần như cả cuộc đời ông dành cho việc nghiên cứu, lưu giữ và truyền dạy văn hóa cho các thế hệ con em đồng bào Thái. Ông Đặng Chòi Quyên, dân tộc Dao, ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang làm kinh tế trang trại giỏi, làm giàu cho gia đình và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều thanh niên ở địa phương... Còn nhiều nữa "những trái tim thắp lửa" như thế không chỉ trên vùng cao Tây Bắc mà có ở khắp nơi trên đất nước này.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn có sự đóng góp hiệu quả, rất đáng trân trọng của đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc. Đó là những cá nhân nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, là hạt nhân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong phát triển KT-XH, được bà con trong dòng tộc, thôn, bản, xã, phường... kính nể, tôn trọng. Đặc biệt, những năm qua, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới... người có uy tín trong đồng bào dân tộc đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc ngăn chặn di dân tự do, truyền đạo trái pháp luật; phòng, chống ma túy; vận động nhân dân hiến đất làm các công trình công cộng, hòa giải mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư...

Tôn vinh, cổ vũ, phát huy vai trò của người có uy tín, các gương tiêu biểu, đặc biệt là tại những địa bàn có vị trí chiến lược trọng yếu về QP-AN, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... là chủ trương đúng đắn, mang tính chiến lược của Đảng, Nhà nước ta. Mặc dù điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, nhưng nhiều địa phương ở địa bàn Tây Bắc cũng như trong cả nước đã quan tâm làm tốt việc bình chọn, xét duyệt, ra quyết định công nhận và đề xuất để người có uy tín được hưởng một số chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước.

Để phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín tiêu biểu, đội ngũ này rất cần được cung cấp kịp thời những thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, được tập huấn một số kiến thức về lĩnh vực KT-XH, QP-AN, về định hướng phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của địa phương; được tham quan, học tập những mô hình hiệu quả, điển hình tiêu biểu... Cùng với  thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, việc tôn vinh, khen thưởng người có uy tín trong cộng đồng cần tiếp tục được các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện thường xuyên, hiệu quả, thực sự là hoạt động xã hội có sức lan tỏa sâu rộng, nhằm phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu người có uy tín trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong các phong trào thi đua yêu nước, trong công tác vận động quần chúng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

ANH QUÂN