Thế nhưng, theo một khảo sát quốc tế gần đây, chỉ có 30% người dân Việt Nam thường xuyên đọc sách; thời gian dành cho đọc sách hằng tuần khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp trên thế giới. Một nghịch lý khác là hệ thống thư viện công cộng Việt Nam có tổng cộng 24.080 thư viện với gần 44 triệu bản sách nhưng trung bình người đến thư viện đọc chưa đến 1 cuốn/năm.

Bộ đội Tiểu đoàn KSQS 31, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh tìm đọc sách tại phòng Hồ Chí Minh.  Ảnh: qdnd.vn

Từ những con số kể trên, có người hẳn sẽ kết luận ngay độc giả ngày nay, nhất là những người trẻ thờ ơ với việc đọc sách? Điều đó đúng nhưng chưa đủ nếu chứng kiến bạn đọc chờ xếp hàng mua sách truyện của Nguyễn Nhật Ánh, thơ Nguyễn Phong Việt hoặc hơn nửa triệu bài dự thi “Đại sứ văn hóa đọc” của học sinh, sinh viên vừa qua. “Điểm nghẽn” tồn tại là do thị trường chưa có nhiều sách hay; các cơ quan chức năng chưa nỗ lực, sáng tạo nhiều mô hình hay, cách làm thiết thực để phát triển văn hóa đọc, để độc giả đến với sách nhiều hơn.

Phát triển văn hóa đọc, giải quyết những nghịch lý cần các giải pháp đồng bộ mà trước hết phải hình thành thói quen đọc sách cho độc giả từ khi còn nhỏ. Tới đây, đổi mới giáo dục chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, các nhà trường phối hợp với gia đình cần tăng cường thêm thời lượng để trẻ em tiếp xúc với sách, hướng dẫn tìm sách và cách đọc. Một khi đã hình thành thói quen đọc sách suốt đời thì sau này đến tuổi trưởng thành dù bận rộn với học hành, công việc, chắc chắn người đọc vẫn sẽ thu xếp được thời gian, tìm đến những cuốn sách giá trị, bổ ích.

Cơ quan chủ quản các thư viện công cộng cần quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện để thư viện chủ động, sáng tạo phát triển văn hóa đọc ở cơ sở chứ không nên quan niệm thư viện chỉ là nơi chứa sách. Cần nhân rộng những mô hình, cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả lớn, thu hút người đọc đến với sách, như: Tích hợp thư viện điện tử với thư viện truyền thống, đưa xe thư viện lưu động đến vùng nông thôn, luân chuyển sách đến khách sạn, kêu gọi xã hội hóa tủ sách học đường, tủ sách dòng họ… Ngoài ra, mỗi thư viện cần thoát khỏi lề lối làm việc trì trệ, nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực đa dạng hoạt động trong điều kiện cho phép như kết hợp với hệ thống truyền thanh cơ sở mở chuyên mục giới thiệu sách hay, luân chuyển sách đến địa bàn khó khăn, nơi tập trung đông người… Cùng với đó, để chấn hưng văn hóa đọc còn nằm ở việc tiếp tục tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất, khuyến khích mọi người viết sách mang tới bạn đọc nhiều tác phẩm chất lượng. 

Điều đáng mừng là đời sống kinh tế-xã hội đi lên, văn hóa đọc cũng dần được xã hội quan tâm hơn. Các đề án, chương trình, hội thảo, tọa đàm, giải thưởng về sách được tổ chức nhiều hơn, chất lượng hơn, ngày càng có sức lan tỏa đến công chúng. Phát triển văn hóa đọc không thể đòi hỏi kết quả tức thì mà cần kiên trì thực hiện với sự chung tay của toàn xã hội. Mỗi người trong khả năng của mình có thể làm công việc khác nhau để lan tỏa tình yêu với sách, như: Viết sách, giới thiệu, truyền bá sách hay đến tay nhiều người, quyên góp và tặng sách đến những đối tượng còn nhiều khó khăn… Đích đến cuối cùng là văn hóa đọc của người dân được cải thiện để nước ta thực sự trở thành một quốc gia mạnh về tri thức, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

HÀM ĐAN