Tại Trung tâm Hành chính công có hệ thống wifi miễn phí tốc độ cao. Người dân khi đến nộp hồ sơ, liên hệ làm thủ tục hành chính chỉ cần kết nối wifi trên điện thoại thông minh, ngay lập tức nhận được lời mời sử dụng Zalo và được hướng dẫn cách thức nộp hồ sơ, tra cứu kết quả trên trình duyệt. Trên giấy hẹn thời điểm giải quyết hồ sơ có một mã QR. Chỉ cần quét mã này vào ứng dụng Zalo trên điện thoại, khách hàng sẽ nhận được đầy đủ các thông tin về tiến độ xử lý hồ sơ. Những thắc mắc của người dân cũng được tư vấn, hướng dẫn, giải đáp trực tiếp bằng tính năng “chat” trên ứng dụng Zalo với cán bộ thụ lý, giải quyết hồ sơ.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn và đại biểu tham quan các bàn phục vụ người dân và doanh nghiệp đặt tại trung tâm. Ảnh: news.zing.vn 
Việc làm này không chỉ mở thêm kênh thông tin tiện ích, góp phần đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, công sức cho Nhà nước và nhân dân, mà còn tạo cầu nối tương tác trực tiếp giữa các cán bộ với từng người dân trong việc tư vấn, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc liên quan đến thủ tục hành chính.

Cùng với ứng dụng Zalo, Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Nai còn đưa vào hoạt động tổng đài dịch vụ công trực tuyến thông qua email, mạng xã hội facebook… để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của người dân. Kết quả khảo sát tự động thông qua công nghệ thông tin cho thấy, sau ba tháng đưa vào hoạt động những mô hình này ở Đồng Nai, có đến 90% tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng thời hạn; 80% số người dân được hỏi ý kiến bày tỏ hài lòng.

Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thu hút gần 1.720 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 31 tỷ USD; giải quyết việc làm cho hàng vạn người lao động. Tốc độ thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp nhanh chóng đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền các cấp về đổi mới phương pháp quản lý, giải quyết thủ tục hành chính. Sự tìm tòi, thể nghiệm, học hỏi kinh nghiệm từ các nước tiên tiến giúp Đồng Nai mạnh dạn thực hiện những bước đột phá, ứng dụng thành tựu công nghiệp, công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành và bước đầu đã thu được kết quả khả quan.

Từ thành công bước đầu của tỉnh Đồng Nai, nhiều địa phương khu vực phía Nam như: Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre… cũng đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị triển khai mô hình tương tự tại địa phương, nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân.

Ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông, trong đó có mạng xã hội vào công tác quản lý, điều hành là hướng đi tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0. Hệ thống chính trị và bộ máy quản lý các cấp không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, công nghệ càng hiện đại, thao tác càng tiện lợi thì tiềm ẩn rủi ro càng cao. Để ứng dụng mạng xã hội giải quyết việc công hiệu quả, bảo đảm an toàn, việc áp dụng, triển khai các hình thức, mô hình ở các địa phương đòi hỏi phải có lộ trình, bước đi phù hợp, không nên nóng vội, đốt cháy giai đoạn.

Theo các chuyên gia và kinh nghiệm bước đầu từ Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Nai, để triển khai các ứng dụng này phải đồng thời chuẩn bị tốt cả vật chất, phương tiện công nghệ và nhân lực, bao gồm cả đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức và đối tượng thụ hưởng là người dân, doanh nghiệp. Với những địa phương mặt bằng dân trí không đồng đều, điều kiện sống của người dân còn khó khăn, chính quyền và cơ quan chức năng các cấp phải có các dịch vụ hỗ trợ đi kèm để hướng dẫn, giúp đỡ. Ứng dụng mạng xã hội chỉ là một kênh thông tin hỗ trợ về kỹ thuật chứ không thể làm thay chức năng quản lý, điều hành của con người. Bởi vậy, cần xác định rõ biên độ, mức độ ứng dụng để bảo đảm an toàn, phát huy hiệu quả, tránh những sự cố rủi ro…

PHAN TÙNG SƠN