Không chỉ năm nay mà cách đây 4 năm, nỗi lo “được mùa mất giá” của các hộ trồng lúa ở ấp Trường Khương đã được “giải mã” bằng mô hình “Mua lúa trong dân” do Chi bộ ấp triển khai từ ý tưởng của đồng chí Hồ Văn Nam, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp.

Thời gian 4 năm cũng đủ để nói lên sức sống của mô hình. Điều đặc biệt, không chỉ tồn tại và duy trì mà mô hình ngày càng được mở rộng khi số hộ dân tham gia và số diện tích trồng lúa được bao tiêu ngày càng gia tăng. Năm 2019, khi mới bắt đầu triển khai chỉ có khoảng 30% diện tích trồng lúa của ấp Trường Khương được bao tiêu, thì đến vụ lúa đông xuân năm nay số diện tích được bao tiêu đã lên đến hơn 80%.

leftcenterrightdel
Nông dân Hậu Giang bắt đầu thu hoạch lúa đông-xuân. Ảnh: nhandan.vn 

Mô hình không "chết yểu" như nhiều mô hình khác bởi nó hoạt động dựa trên nguyên tắc vừa bảo đảm lợi ích cho người dân, vừa bảo đảm tính pháp lý với bên nhận bao tiêu là công ty trực tiếp thu mua. Để làm được điều này, Chi bộ ấp Trường Khương đã thành lập hợp tác xã do các đảng viên trong chi bộ làm nòng cốt. Hợp tác xã vừa hỗ trợ pháp lý cho nông dân khi cần thương lượng hoặc bàn thảo các vấn đề còn vướng mắc với phía công ty bao tiêu, vừa cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và nhân công khi vào vụ.

Để mô hình có hiệu quả như ngày hôm nay, buổi ban đầu triển khai cũng gặp nhiều khó khăn khi người dân “nghi ngờ” về tính hiệu quả của mô hình vì đây không phải lần đầu họ tiếp cận những cách làm mà các cấp chính quyền đưa ra. Nhớ những năm trước đây, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều đưa ra mô hình liên kết “4 nhà”, đó là mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ để thúc đẩy nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại. Tuy nhiên, sự liên kết trên luôn lỏng lẻo khi giá nông sản lên cao thì mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp không có tiếng nói chung về giá cả thị trường. Kết quả là mô hình liên kết trên không có sự ràng buộc và không mang lại hiệu quả cao như mong đợi cho các bên tham gia.

Trở lại với mô hình “Mua lúa trong dân”-mô hình được Chi bộ ấp Trường Khương triển khai thực hiện và được người dân tích cực tham gia cũng bởi nhiều lý do. Đầu tiên và quan trọng nhất là mô hình được hình thành dựa trên tình hình thực tế của địa phương, đồng thời, thực hiện phương châm “đảng viên đi trước”, 100% đảng viên đang sinh hoạt tại chi bộ có diện tích trồng lúa là những người tiên phong đăng ký tham gia mô hình đầu tiên...

Từ mô hình “Mua lúa trong dân” và nhiều mô hình liên kết đã được triển khai với sự thành công và thất bại khác nhau cho thấy, để tránh “chết yểu” khi thực hiện thì quan trọng nhất mô hình đó phải xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của thực tiễn; phải có người đầu tàu dám làm, dám chịu trách nhiệm.

NGUYỄN BÁ