Ảnh minh họa. Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp
Trong các đánh giá về chất lượng hàng hóa thì đánh giá từ phía người tiêu dùng bao giờ cũng quan trọng nhất, là thước đo để doanh nghiệp điều chỉnh mẫu mã, chất lượng sản phẩm dịch vụ cho phù hợp với thị hiếu. Tín hiệu vui là số lượng các doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao ngày càng được mở rộng qua từng năm, chứng tỏ hàng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng yêu thích. Và nhiều doanh nghiệp cũng đã nỗ lực giữ vững chất lượng sản phẩm qua nhiều năm. Tuy nhiên, con số 59 doanh nghiệp bị "rớt hạng" lại là điều cần phải được nhìn nhận nghiêm túc.
Có một thực tế là tại Việt Nam không ít doanh nghiệp, các nhà kinh doanh sau khi cho ra đời những sản phẩm, dịch vụ tốt, được người tiêu dùng ưa thích thì lại sinh ra chủ quan, tự mãn, không những không tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn buông lỏng để rồi chất lượng sản phẩm dịch vụ đi xuống. Vì thế, những người tiêu dùng có kinh nghiệm thường bảo nhau rằng, những dòng sản phẩm “đời đầu” bao giờ cũng tốt nhất, “ăn chắc, mặc bền” nhất, còn càng về sau thì càng suy giảm. Ấy là về chất lượng, còn trong phong cách phục vụ, có không ít những cửa hàng dịch vụ sau khi đã đông khách rồi thì lại nảy nòi ra kiểu phục vụ cửa quyền, hách dịch, ví dụ như các quán “bún mắng”, “phở chửi” ở Hà Nội. Ở những nơi ấy, đáng lẽ “khách hàng là thượng đế” thì khách hàng lại chẳng khác nào những người phải ngửa tay đi xin. Đó là phong cách sản xuất, phục vụ hoàn toàn sai lầm, chẳng khác nào như một sự phản bội đối với niềm tin của khách hàng. Và đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều thương hiệu lâm cảnh "phú quý giật lùi".
Trong mấy năm vừa qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kết hợp với Bộ Công Thương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mục đích của cuộc vận động là nhằm để cho người tiêu dùng Việt Nam thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc bằng việc ưu tiên sử dụng những sản phẩm Việt Nam đạt tiêu chuẩn, chất lượng tốt. Thế nhưng rõ ràng không thể kêu gọi tình yêu từ một phía. Những doanh nghiệp Việt Nam cũng phải thể hiện lòng yêu nước, trách nhiệm với Tổ quốc của mình bằng cách sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng ngày càng cao hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người tiêu dùng Việt Nam. Người tiêu dùng sẽ càng ngày càng thông thái hơn. Họ cũng ngày càng có nhiều sự lựa chọn từ một lượng hàng hóa ngoại xuất hiện đa dạng, phong phú trên thị trường. Vì thế, việc luôn nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ là một yêu cầu có tính sống còn của doanh nghiệp Việt Nam. Trước khi nghĩ đến chuyện xuất khẩu thì doanh nghiệp Việt Nam cần phải đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.
Trong xã hội hiện nay xuất hiện nhan nhản các giải thưởng, các danh hiệu được trao cho các doanh nghiệp. Có những giải thưởng, danh hiệu đậm chất thương mại hóa, mà doanh nghiệp, doanh nhân chỉ cần bỏ ra chừng vài chục triệu đồng là có danh hiệu treo lủng lẳng. Thế nhưng, những giải thưởng ấy hay mọi thứ quảng cáo với lời hay, ý đẹp sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu người tiêu dùng không thấy được chất lượng của sản phẩm, không cảm nhận được tính nghiêm túc, chuyên nghiệp, trách nhiệm và hơn cả là tình yêu của doanh nghiệp đối với sản phẩm dịch vụ của chính mình, tình yêu đối với khách hàng của mình. Người tiêu dùng sẽ luôn là những trọng tài công tâm nhất, thước đo từ người tiêu dùng luôn là thước đo chính xác nhất để đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
QUANG HƯNG