Việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước chưa thật hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí được bàn thảo tại nhiều kỳ họp trước của Quốc hội và các phiên họp của Chính phủ. Câu hỏi ở đây là: Tại sao thời gian qua tình trạng lãng phí, thậm chí lạm dụng, chiếm dụng tài sản nhà nước, tài nguyên quốc gia chậm được khắc phục? Nước ta đã ban hành nhiều luật quy định về công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, nhưng nhiều dự án vẫn gây thất thoát, lãng phí lớn cho Ngân sách Nhà nước. Có thể kể ra hàng loạt dự án "nghìn tỷ" nhưng hiệu quả không cao, như: Các dự án của Vinashin trước đây; Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II; Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình... Chưa kể tình trạng các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp được Nhà nước giao đất nhưng không sử dụng hiệu quả mà đem cho thuê hoặc góp vốn vào đơn vị khác gây hậu quả lớn...
Ảnh minh họa/thoibaotaichinhvietnam.vn.
Ngoài hệ thống pháp luật chưa bảo đảm tính bao quát, đồng bộ thì một nguyên nhân khác dẫn đến việc tài sản nhà nước chưa được sử dụng hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí chính là cách hiểu về tài sản nhà nước chưa đầy đủ. Thực tế, tài sản nhà nước còn bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên, nguồn lợi ở vùng biển, tài nguyên nước, khoáng sản, kết cấu hạ tầng... mà không chỉ dừng lại ở đất đai, trụ sở làm việc, máy móc, trang thiết bị được mua bằng Ngân sách Nhà nước. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến ở nhiều nơi, việc quản lý, sử dụng tài sản công không phát huy hiệu quả, gây lãng phí, sinh ra những hệ lụy về môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên do các tổ chức, cá nhân lợi dụng sự thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật để khai thác, chiếm dụng.
Việc xây dựng, ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) hiện nay là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành; bảo đảm việc đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công hiệu quả, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; đáp ứng yêu cầu mới về khai thác nguồn lực từ tài sản nhà nước, tài sản công. Muốn vậy, ngay từ người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, phải xóa bỏ tư tưởng “vô tư” trong quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, coi ngân sách là “tiền chùa”. Mỗi cán bộ, đảng viên, người dân phải nâng cao trách nhiệm xã hội gắn với ý thức thực hành tiết kiệm; xây dựng cơ chế, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm việc quản lý, khai thác, sử dụng tài sản nhà nước, tài sản công hiệu quả, chống lạm dụng và sử dụng sai mục đích. Tài sản nhà nước, tài sản công chính là mồ hôi, công sức, trí tuệ của nhân dân. Đúng như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Từng đồng tiền thuế của dân đều phải được sử dụng hiệu quả, minh bạch”. Các cơ quan chức năng của Nhà nước cũng cần tiếp tục thay đổi tư duy về vai trò của mình trong thực hành hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chỉ như vậy, việc quản lý tài sản nhà nước, tài sản công, chi tiêu ngân sách mới hiệu quả, không bị thất thoát, lãng phí.
HOÀNG GIA MINH