Chắc chắn trong hội thảo khoa học sẽ có nhiều con số, nhiều biện pháp được đưa ra, song lâu nay, không ai trong chúng ta không ít nhiều thấy rõ tác hại ghê gớm của việc xả thải nước làm ô nhiễm môi trường cũng như từng trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các hoạt động bảo vệ, giữ gìn nguồn nước sạch. Trước hết cứ xem xét thực tế ở tỉnh Bắc Ninh cũng đã thấy rõ nhiều mặt của vấn đề.

Miền đất Quan họ vốn là một vùng quê nông nghiệp thuần khiết, gắn với 6 con sông làm nên Lục Đầu giang huyết mạch giao thông và tưới tiêu cho cả một nửa Đồng bằng Bắc Bộ phì nhiêu. Nhưng Bắc Ninh cũng là địa phương có tốc độ công nghiệp hóa và phát triển làng nghề, thương mại, dịch vụ nhanh bậc nhất đất nước trong những năm qua, kéo theo sự tập trung dân cư, đô thị hóa khiến nguy cơ tổn hao và ô nhiễm nguồn nước càng ngày càng cao. “Sông Cầu nước chảy lơ thơ” nay đã bị rác thải và đặc biệt là các làng nghề ven sông xả nước thải làm nhiều khúc sông bị nhiễm bẩn, nhiễm độc nặng nề. Con sông Ngũ Huyện Khê chảy qua Bắc Ninh từng nảy sinh câu chuyện chàng Trương Chi thổi sáo trên sông từ lâu đã biến mất, để lại những ao, hồ đứt đoạn ngày càng tù đọng… Nhưng cũng chính nơi này, “cuộc chiến” bảo vệ sông, hồ gần đây đã diễn ra khá quyết liệt nhiều mặt, tiêu biểu là quyết định của UBND tỉnh Bắc Ninh ngừng khai thác cát sông Cầu đã tạo nên cả chuyện dữ lẫn tiếng hay trong những ngày vừa qua. Thái độ kiên quyết bảo vệ sông Cầu đã và còn cần sự vào cuộc, ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng cùng nhân dân.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Nguồn Internet 

Hiện trạng ô nhiễm sông, hồ không chỉ riêng với ở Bắc Ninh mà là hiện trạng khá phổ biến trong cả nước. Thủ đô Hà Nội mấy chục năm qua đã thực hiện nhiều biện pháp giữ gìn, bảo vệ và làm sạch sông, hồ, trong đó có những đợt đầu tư lớn cải tạo hệ thống thoát nước của thành phố, xây kè, nạo vét các lòng sông. Nhưng các dòng Tô Lịch, Kim Ngưu vẫn bốc mùi khó chịu, ngay Hồ Tây cuối năm 2016 vừa qua cũng đã xảy ra vụ cá chết vì thiếu ô-xi. Tất cả đều phần lớn do xả thải từ các cơ sở sản xuất và từ cống rãnh các khu dân cư.

Độc hại thay nguồn nước ô nhiễm, cả nước mặt lẫn nước ngầm lại là nguồn nước tưới cho rau màu của các vùng đất nông nghiệp. Sau việc kiên quyết dẹp các nhà nổi, nhà hàng trên Hồ Tây, Hà Nội đã bắt đầu đợt xử lý làm sạch các hồ nước ngoại thành bằng chế phẩm Redoxy-3c, đồng thời chuẩn bị cho việc nạo vét, thay nước hồ Hoàn Kiếm. Một việc làm khác là nghiên cứu lập các phương án đưa nước sông Tích về sông Đáy để khôi phục dòng chảy của con sông quan trọng bậc nhất của xứ Đoài và tỉnh hạ lưu Hà Nam… Tuy nhiên, cũng như mọi nơi, nếu không cải tạo cơ bản được hệ thống xả thải nước từ các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, các làng quê và phố xá, không xử lý được nước thải thì mọi sông, hồ, mọi nguồn nước của Hà Nội vẫn luôn bị đe dọa.

Bởi vậy việc bảo vệ, chăm lo giữ sạch nguồn nước, tránh lãng phí nước là sự nghiệp không chỉ của Nhà nước mà phải là sự chung tay góp sức của toàn dân. Ở Hà Nội, các cuộc vận động xanh-sạch-đẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường nói chung và sông ngòi, hồ ao, giếng nước nói riêng đã được tiến hành rộng khắp và bước đầu đã có hiệu quả đáng khích lệ ở nhiều làng xã, khu phố. Trải qua các “Năm trật tự và văn minh đô thị”, các hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ, các “con đường tự quản” của phụ nữ, các khu sản xuất tập trung của làng nghề… đã dấy lên tác động tích cực làm thay đổi nhận thức và lối sống trong nhân dân. Vấn đề là cần đẩy mạnh hơn nữa tinh thần làm chủ của mỗi người dân, mỗi xóm, phố, đồng thời với sự mạnh tay vào cuộc của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng. Và nữa, chúng ta hoàn toàn có thể học theo cách làm của thế giới trong xử lý nước thải để thành nước sạch. Vì quê hương xanh-sạch-đẹp, vì sự sống của những dòng sông, hồ nước cũng chính là vì nguồn sống của con người.   

NGUYỄN MẠNH