Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bắt đầu từ năm 2019 và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, những tồn tại nảy sinh từ việc triển khai thực hiện hai nội dung mang tính cải cách rất lớn, toàn diện của ngành giáo dục và đào tạo cũng không hề nhỏ, điển hình là tình trạng thừa-thiếu giáo viên.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. 

Theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 thì có một số môn học mới được đưa vào giảng dạy ở các cấp học, nhưng đến nay vẫn chưa tuyển được đủ giáo viên để bảo đảm công tác giảng dạy. Trong khi đó, do yếu tố lịch sử và sắp xếp lại các môn học nên nhiều bộ môn lại đang có sự dư thừa giáo viên. Việc tuyển dụng giáo viên ở nhiều nơi gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn tuyển và thiếu cơ chế thu hút nguồn nhân lực cho các môn học bị coi là “phụ”. Cùng với đó, ở một số tỉnh xảy ra tình trạng có huyện thì thừa giáo viên, có huyện lại thiếu giáo viên. Do chưa có quy định nên khó thực hiện việc điều động, luân chuyển giáo viên giữa các huyện.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi tới Đoàn giám sát thì tính đến cuối năm học 2021-2022, cả nước có hơn 1,22 triệu giáo viên mầm non, phổ thông (trong đó khối công lập có hơn 1,09 triệu giáo viên, khối ngoài công lập có 135.231 giáo viên). Cả nước còn thiếu gần 107.000 giáo viên (cấp mầm non thiếu hơn 44.000 giáo viên, cấp tiểu học thiếu gần 33.000 giáo viên, cấp THCS thiếu hơn 18.000 giáo viên, cấp THPT thiếu gần 12.000 giáo viên). Trong khi đó lại thừa cục bộ 5.091 giáo viên (cấp tiểu học thừa cục bộ hơn 2.300 giáo viên, cấp THCS thừa cục bộ hơn 2.650 giáo viên, cấp THPT thừa cục bộ 139 giáo viên).

Điều đáng nói là nghịch lý thừa-thiếu giáo viên diễn ra chủ yếu do công tác chuẩn bị và ngay cả công tác triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông chưa được tốt. Nếu chúng ta có sự chuẩn bị tốt hơn, kỹ càng hơn, lường trước được những vấn đề nảy sinh thì đã có những giải pháp tích cực hơn, nghịch lý thừa-thiếu giáo viên sẽ không tồn tại lâu như vậy. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu các cơ quan hữu quan ráo riết hơn, quyết liệt hơn, nhất là việc ban hành các quy định để gỡ vướng, khơi thông sự ách tắc về nguồn nhân lực trong ngành giáo dục và đào tạo, thì cũng không đến mức hơn 4 năm chưa giải quyết xong được tình trạng này.

Đầu năm nay, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến hết năm 2023 sẽ giải quyết hiệu quả, cơ bản tình trạng thừa-thiếu giáo viên cục bộ. Tuy nhiên đến nay, nhiều quy định gây ách tắc vẫn chưa được sửa đổi và một số quy định cần phải có vẫn chưa được ban hành, nên tình hình vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể nào.

Hy vọng, những đốc thúc từ Đoàn giám sát sẽ phát huy hiệu quả để các cơ quan hữu quan có sự tập trung tốt hơn trong việc giải quyết nghịch lý vừa thừa vừa thiếu giáo viên. Chỉ khi giải quyết được cơ bản tình trạng này, chất lượng giáo dục của chúng ta mới có đủ điều kiện cần để được bảo đảm.

CHIẾN THẮNG