Đây là vấn đề được người dân rất quan tâm bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá vé khi đi lại bằng đường hàng không. Câu hỏi về việc có nên giữ giá trần vé máy bay hay không tiếp tục được đặt ra. Quản lý giá vé máy bay không chỉ để bảo vệ quyền lợi của hành khách mà cần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Báo Kinh tế & Đô thị. 

Nhiều ý kiến trong ngành hàng không đã kiến nghị bỏ quy định về giá trần vé máy bay với lý do quy định này bó buộc sự phát triển của thị trường hàng không nội địa, việc điều chỉnh giá trần thường chậm hơn so với biến động chi phí thực tế, có thể tạo cơ chế xin-cho. Theo đại diện một số hãng hàng không, áp giá trần cho các đường bay nội địa làm ảnh hưởng đến khả năng tăng doanh thu của doanh nghiệp nhất là vào dịp cao điểm, đồng thời cũng không khuyến khích cạnh tranh để nâng cao chất lượng dịch vụ. Khi còn khung giá vé, các hãng khó mạnh tay đầu tư cho chất lượng dịch vụ vì cần tính toán chi phí phù hợp. Một số nước trong khu vực Đông Nam Á có thị trường hàng không nội địa phát triển như Thái Lan, Indonesia cũng không áp giá trần vé máy bay. Có ý kiến đề nghị, giá vé máy bay nội địa nên để thị trường tự quyết định, nhất là với những đường bay có nhiều hãng hàng không khai thác, qua đó, giúp tạo đà tăng trưởng cho ngành hàng không, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, nếu bỏ giá trần vé máy bay, những lo ngại của người dân về việc giá vé sẽ tăng cao là hoàn toàn có cơ sở, đặc biệt vào dịp cao điểm, nghỉ lễ, Tết, khi nhu cầu đi lại vượt xa khả năng cung ứng. Khác với đường bay quốc tế, đường bay nội địa của Việt Nam chỉ cho phép hãng hàng không trong nước khai thác. Với hầu hết đường bay nội địa, thị phần chủ yếu nằm ở 2-3 hãng hàng không, dịp cao điểm, giá vé máy bay của các hãng đều có xu hướng tăng, thậm chí tăng kịch trần.

Trong bối cảnh vẫn còn doanh nghiệp hàng không giữ thị phần chi phối hoặc vị trí thống lĩnh trên một số đường bay nội địa thì vấn đề bỏ giá trần cần được cân nhắc, tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng. Công cụ quản lý giá của Nhà nước nhằm mục đích tránh trường hợp giá cả tăng bất hợp lý hay doanh nghiệp bắt tay nâng giá, qua đó, giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Nhưng cũng không nên lạm dụng công cụ này để làm méo mó hay triệt tiêu động lực phát triển của thị trường. Doanh nghiệp cần được chủ động trong chiến lược, kế hoạch, đường hướng sản xuất, kinh doanh, Nhà nước không nên can thiệp. Có hãng hàng không chọn phân khúc giá cao, đơn vị khác lại tập trung vào khách hàng bình dân, giá rẻ, điều đó giúp thị trường đa dạng hóa, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng hành khách.

Việc xem xét bỏ giá trần vé máy bay nên thực hiện có lộ trình, trong đó, chú trọng tăng khả năng cung ứng của vận tải hàng không, đáp ứng tốt hơn yêu cầu xã hội. Khi thị trường hàng không có sự tham gia đa dạng của các nhà cung ứng, thúc đẩy cạnh tranh thực chất bằng giá vé, chất lượng dịch vụ, hành khách được quyền lựa chọn theo nhu cầu, khả năng thì công cụ quản lý bằng giá trần không còn cần thiết. Để thị trường tự điều tiết giá cả trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm công bằng, bình đẳng, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân, xã hội là mục tiêu cần hướng đến trong phát triển hàng không. 

ĐỖ MẠNH HƯNG