Đến hẹn lại lên, cuối tháng 5, đầu tháng 6 hằng năm khi các em học sinh tiểu học bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè thì cũng là lúc các trường THCS chuẩn bị xét duyệt hồ sơ học sinh xin vào lớp 6. Trường chất lượng càng tốt thì số lượng hồ sơ nộp vào càng nhiều, cạnh tranh càng cao.
Riêng Trường Phổ thông dân lập Lương Thế Vinh đã nhận gần 4.000 hồ sơ xin xét duyệt vào học tại trường năm nay, trong đó có tới hơn 1.000 hồ sơ có điểm 10 tuyệt đối cho hai môn Toán và Tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học. Chỉ nhìn vào điểm số thôi thì đây quả là một việc đáng mừng. Đã có thời, điểm 8 cũng đã rất đáng tự hào; danh hiệu học sinh tiên tiến cũng không phải dễ đạt. Thế nhưng hiện nay rất nhiều trường có tỷ lệ xấp xỉ 100% học sinh đạt loại giỏi; điểm 10 thì vô kể, rất hiếm điểm 8, điểm 9. Thế hệ sau hơn thế hệ trước thì còn gì mừng hơn! Nhưng điểm 10 cho cả 2 môn chính sau tất cả 5 năm học tiểu học thì quả thật là thành tích gây nhiều lo lắng.
Lo lắng này là có cơ sở bởi thành tích tuyệt đối được duy trì suốt 5 năm học là điều cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là không tưởng. Các em học sinh tiểu học chưa thể là những người có tâm lý ganh đua lớn đến vậy để có thể suốt ngày chỉ học, không chơi để luôn giành điểm tuyệt đối trong suốt cả 5 năm. Phải chăng vì tâm lý “bằng bạn bằng bè”, “nâng cao uy tín” mà phụ huynh và nhà trường lại gia tăng sức ép, biến con em mình thành những “cái máy học”? Không loại trừ có những trường hợp “thần đồng”, có thể đạt điểm số tuyệt đối trong nhiều năm, nhưng cùng một lúc không thể có nhiều “thần đồng” đến thế. Có lẽ để đạt được những điểm số tuyệt đối như vậy, nhiều học sinh chỉ biết học thuộc lòng. Và trong khi cơ chế đánh giá học lực của học sinh lơi lỏng, không loại trừ việc “chạy điểm”... Nếu thế, những điểm 10 kia không hẳn tốt cho các em. Một mặt, chúng đang khiến các em tưởng rằng mình là rất giỏi và không còn động lực để phấn đấu thêm nữa. Mặt khác, áp lực thành tích từ phụ huynh sẽ tạo cho con em mình tâm lý hiếu thắng, không muốn chấp nhận thất bại nào trong cuộc sống.
Phải chăng các phụ huynh và nhà trường vẫn đang coi trọng bộ mặt của mình hơn là một đánh giá thực chất? Phải chăng được học đúng sức mình và được vui chơi đối với các em học sinh vẫn là một ước mơ xa vời?
HỮU DƯƠNG