Đây là kênh thông tin tương tác trực tiếp giữa Chính phủ với người dân. Mọi người đều có thể dễ dàng truy cập vào hệ thống này từ máy vi tính, thiết bị di động được kết nối internet để gửi, theo dõi, nhận kết quả trả lời phản ảnh, kiến nghị của mình về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính không phù hợp với thực tế, không đồng bộ, không thống nhất, không hợp pháp, trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; về hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính... Các phản ảnh, kiến nghị ấy sẽ được tiếp thu và sớm trả lời, được đăng công khai trên hệ thống. Người dân có thể thể hiện sự “hài lòng”, hoặc “không hài lòng” với nội dung trả lời này.

leftcenterrightdel
Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân. 
Từ trước tới nay, đã có nhiều cách để người dân được tiếp xúc, thể hiện quan điểm, nguyện vọng của mình. Ví dụ như: Trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân đều có những buổi tiếp xúc cử tri, để đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp lắng nghe ý kiến của những cử tri mà mình được làm đại diện. Theo quy định, lãnh đạo địa phương phải định kỳ có buổi tiếp xúc với người dân. Ở tất cả cấp quản lý hành chính, các cơ quan công quyền đều có phòng tiếp dân. Các cơ quan cung cấp dịch vụ công cũng đều có hộp thư góp ý... Nhưng như thế vẫn là chưa đủ!

Không thể không nhìn thấy rằng, có nhiều vụ việc mà người dân kiến nghị, khiếu kiện qua nhiều cấp, qua nhiều năm mà vẫn bế tắc, chưa được giải quyết dứt điểm, thỏa đáng. Vẫn còn hiện tượng đơn thư của người dân được “kính chuyển” lòng vòng hết cấp này đến cấp khác, rồi lại quay lại điểm xuất phát là cấp cơ sở. Điều này nếu bị tích tụ lâu sẽ gây ra những bức xúc trong xã hội. Những vấn đề liên quan thiết thân đến người dân như: Cấp sổ đỏ, tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng, giải quyết ô nhiễm môi trường sống... chiếm một lượng lớn trong số các đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên thực trạng ấy. Có thể là do ý thức trách nhiệm, hoặc là do trình độ của một bộ phận cán bộ ở cơ sở chưa tốt, chưa giải thích, hướng dẫn chính xác, đầy đủ theo đúng các chính sách, quy định của pháp luật cho người dân. Hoặc có thể chính sách, pháp luật khi được thực hiện trong cuộc sống đã nảy sinh những vướng mắc mà cấp cơ sở lúng túng trong giải quyết. Và nguy hại hơn là những hiện tượng tham ô, tham nhũng, tiêu cực, bao che cho tiêu cực còn tồn tại khiến cho việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại của người dân cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Ý nghĩa có tính đột phá của sự xuất hiện Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ảnh, kiến nghị của người dân nói trên là khái niệm: “Khiếu kiện vượt cấp” sẽ dần bị mờ đi. Những phản ảnh, kiến nghị của người dân sẽ được chuyển thẳng tới Văn phòng Chính phủ, sẽ được Chính phủ lắng nghe. Như thế, với những vụ việc điển hình, những việc khó giải quyết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có thông tin kịp thời để trực tiếp chỉ đạo giải quyết.

Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, tạo ra các hệ thống giao tiếp điện tử là một chủ trương đúng đắn. Điều này khiến cho Chính phủ, chính quyền các cấp trở nên gần dân hơn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của từng người dân được tốt hơn. Từ nay, kênh giao tiếp trực tiếp với Chính phủ sẽ nằm ngay trên bàn tay của mỗi người dân thông qua chiếc điện thoại thông minh. Từ những đề xuất, kiến nghị của người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các cấp sẽ đề ra những chính sách, biện pháp quản lý phù hợp, sát với cuộc sống, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, những bức xúc trong xã hội. Đây chính là một giải pháp để hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động quyết liệt phục vụ người dân và doanh nghiệp.

HỒ QUANG PHƯƠNG