Thiệt hại về cơ sở vật chất chưa thể thống kê, nhưng cũng sẽ là những con số không nhỏ. Hiện nay, các lực lượng vẫn đang tích cực tìm kiếm những người còn mất tích và nỗ lực giúp nhân dân các địa phương sớm ổn định cuộc sống sau mưa lũ.

Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao lại có thiệt hại lớn về người đến thế? Trong thời gian tới sẽ có cơ quan giải đáp câu hỏi này, nhưng qua theo dõi có thể thấy, sự chủ quan của cấp ủy, chính quyền và người dân ở nhiều địa phương còn cao; sự phòng bị còn đơn giản, việc cảnh báo còn thiếu tính chuyên nghiệp; địa phương không kiên quyết thực hiện các phương án di dời dân khi có những dấu hiệu nguy hiểm… là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thiệt hại.

leftcenterrightdel
Khu vực bị sạt lở tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình trong đợt mưa lũ vừa qua. 
Trước đợt mưa lũ lịch sử này, nhiều tỉnh, thành phố miền Trung đã phải hứng chịu bão số 10 đổ bộ trực tiếp. Tuy nhiên, do được cảnh báo có hệ thống (phương tiện truyền thông báo tin liên tục; các bộ, các địa phương thúc giục người dân phòng bị; lực lượng chức năng kiên quyết di dời dân khỏi những khu vực nguy hiểm v.v..) nên bão số 10 mặc dù sức gió khá lớn, gây nhiều thiệt hại về cơ sở vật chất, nhưng rõ ràng thiệt hại về người đã được hạn chế đến mức thấp nhất so với những cơn bão trước đó (chỉ có 4 người chết). Như vậy có thể thấy, khi được cảnh báo, khi có sự chủ động trong phòng, chống thì thiệt hại về người sẽ giảm.

Trở lại với đợt mưa lũ lịch sử. Trên thực tế, nhiều hộ dân cũng đã biết rằng mưa lớn trong thời gian dài tất sẽ có lũ quét, lũ ống, sạt lở đất xảy ra trên các địa bàn miền núi, nhưng việc chủ động đối phó với tình trạng này thì gần như chưa ai nghĩ đến. Nhiều hộ dân không chịu di dời khỏi nơi nguy hiểm khi được chính quyền vận động, hoặc “vô tư” ra sông, suối vớt củi khi lũ xiết, cố tình vượt qua sông, suối khi lũ lên cao… Vụ sạt lở tại huyện Tân Lạc (Hòa Bình) khiến 18 người chết và mất tích là một ví dụ đau xót về sự chủ quan trước mưa lũ. Tất cả những người thiệt mạng đều ở thế bị động, bất ngờ và không kịp trở tay khi vụ việc xảy ra. Cũng cần phải nói thêm, Hòa Bình là địa phương đã nhiều năm không xảy ra các vụ thiên tai lớn, đây cũng là một yếu tố dẫn đến việc người dân chủ quan trước mưa lũ. Thêm nữa là thông tin về diễn biến bất thường của mưa lũ có thể đã không đến được với từng người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, do đó họ không thực hiện các biện pháp phòng bị…

Từ bài học đau xót sau trận mưa lũ lịch sử, chúng ta cần tiếp tục kiên trì việc thông tin, tuyên truyền, cảnh báo người dân trước thiên tai. Việc cảnh báo phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, tập trung vào lúc mưa bão vừa xuất hiện. Phải làm cho mọi người dân sống trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đều hiểu được tính chất, mức độ nguy hiểm của thiên tai, hiểu rõ những dấu hiệu nguy hiểm sắp xảy ra để chủ động đề phòng. Chính quyền địa phương cần phải nhạy bén với tình hình và kiên quyết thực hiện các phương án, kế hoạch sớm di dời nhân dân trong vùng nguy hiểm khi mưa bão xảy ra.

Bão số 11 trên Biển Đông đang tiến vào đất liền. Rất có thể nó sẽ gây ra đợt mưa lũ mới trên địa bàn các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Vì vậy, các địa phương cần phải triển khai ngay, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống. Từng người dân phải khắc phục ngay bệnh chủ quan trước mưa lũ thì mới có thể tránh lặp lại bài học đau xót vừa xảy ra.

TRẦN VŨ