Bên cạnh niềm vui khi thương mại điện tử có bước nhảy vọt và Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, cử tri cũng lo lắng khi vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan và diễn biến phức tạp. Thực tế buôn gian bán lận là vấn đề muôn thuở trong kinh doanh và không có giới hạn bởi không gian mạng hay ngoài đời thực. Chỉ là, trên mạng thì những cú lừa với hình ảnh đẹp mắt, thương hiệu, ngon, bổ, rẻ... khiến con mồi là người tiêu dùng dễ dính bẫy hơn.

Mặc dù ngành chức năng không hề khoanh tay bỏ mặc người tiêu dùng, minh chứng là năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 676 vụ vi phạm; xử phạt hành chính hơn 10 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu hơn 5 tỷ đồng... tuy nhiên, thực tế xử phạt cũng chỉ là "bắt cóc bỏ đĩa". Những vụ tố nhau vì hàng kém chất lượng vẫn xảy ra hằng ngày. Hay những buổi livestream bán hàng rầm rộ với doanh số được khoe lên tới hàng trăm tỷ đồng/ngày trên các nền tảng mạng xã hội, nhưng có nộp thuế thu nhập đầy đủ hay không cũng như chất lượng hàng hóa ra sao vẫn là dấu chấm hỏi.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa / vietnam+ 

Vì sao như thế? Câu trả lời là do những khoảng trống từ pháp lý khiến cho cơ quan thực thi pháp luật lúng túng, gặp khó khăn trong kiểm soát mua bán hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử. Đó còn là do lòng tham, sự cả tin của chính người tiêu dùng đã tạo cơ hội cho đối tượng thực hiện thủ đoạn lừa đảo.

Để bảo vệ người tiêu dùng trước sự nhiễu loạn của thị trường thương mại điện tử, trả lời chất vấn mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết dự kiến bổ sung quy định xác thực tài khoản cá nhân kinh doanh online và cung cấp thông tin trên các website chính thống; đồng thời, đối với những trường hợp vi phạm, sẽ xóa vĩnh viễn địa chỉ bán hàng trên mạng.

Đây là một động thái quyết liệt của cơ quan chức năng nhằm lấp đầy khoảng trống pháp lý về thương mại điện tử, song để mọi giải pháp đạt hiệu quả, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và đặc biệt là người tiêu dùng.

Cùng với các biện pháp kiểm soát và xử phạt, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn, khuyến khích người tiêu dùng kỹ năng kiểm tra, đánh giá thương hiệu, chất lượng sản phẩm, uy tín của nhà cung cấp trên không gian mạng, phát hiện, phòng tránh các thủ đoạn lừa đảo, dụ dỗ... Bản thân người dân cũng phải trở thành người tiêu dùng thông thái, có ý thức cảnh giác khi mua hàng trên mạng bằng cách luôn ghi nhớ rằng, trên đời này, rất ít những thứ đã ngon, bổ mà lại rẻ.

THÚY AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.