Những năm gần đây, công tác tuyên truyền, vận động người dân hiến máu được các cấp, các ngành, nhất là ngành y tế và các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện khá bài bản, hiệu quả. Từ đó tạo ra những phong trào: “Mỗi giọt máu, một tấm lòng”, “Một giọt máu cho đi-một cuộc đời ở lại”, “Giọt máu hồng là nghĩa tình cho cộng đồng”… Những phong trào này, có lúc được nâng lên thành chiến dịch hiến máu khi lượng máu dự trữ ở các bệnh viện khan hiếm.
 |
Ảnh minh họa. TTXVN. |
Trên thực tế, việc hiến máu không chỉ góp phần cứu sống người bệnh mà còn mang lại sức khỏe cho chính người hiến máu. Người tham gia hiến máu được khám và tư vấn sức khỏe miễn phí để bảo đảm đủ các điều kiện, được thông báo kết quả các xét nghiệm máu. Người hiến máu cũng được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện của Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo. Giấy chứng nhận này có giá trị bồi hoàn máu, số lượng máu được bồi hoàn lại tối đa bằng lượng máu đã hiến (trong trường hợp người hiến máu không may cần phải truyền máu). Nó có giá trị tại các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc và có giá trị suốt đời người hiến máu. Trên thế giới có người đã hiến máu hơn 400 lần, còn ở Việt Nam là hơn 100 lần, sức khỏe hoàn toàn tốt.
Hiện nay, kho dự trữ máu tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương luôn ở tình trạng khan hiếm, có ngày chỉ còn dưới 2.000 đơn vị máu, trong khi nhu cầu cấp cứu và điều trị của 180 bệnh viện phía Bắc mỗi ngày cần tới 1.700-1.800 đơn vị. Trên thực tế, mỗi năm nước ta cần khoảng 1.800.000 đơn vị máu để cấp cứu, điều trị bệnh nhân, nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 54%. Điều này càng cho thấy việc hiến máu luôn là vấn đề cần thiết và cấp bách.
Từ trước tới nay, việc hiến máu hầu hết là tự nguyện và có rất ít quyền lợi cho người hiến máu. Để phong trào hiến máu có sự tham gia của đông đảo mọi người và thường xuyên hơn, Nhà nước mà trực tiếp là ngành y tế cần có những chính sách và chế độ bồi dưỡng thiết thực cho người tham gia hiến máu. Ngoài việc khám, tư vấn miễn phí về sức khỏe, bồi hoàn lượng máu khi cần, nên trả kinh phí để người hiến máu bồi dưỡng sức khỏe, có chi phí đi lại và bỏ thời gian đi hiến máu. Có như vậy mới kích thích được tinh thần tự nguyện và ý thức trách nhiệm của mọi người với phong trào này.
Hiến máu là mang niềm tin, niềm hy vọng về sự sống cho người bệnh và những người kém may mắn. Đó là món quà vô giá mà mỗi chúng ta trao cho cuộc đời. Mong rằng phong trào hiến máu ở nước ta sẽ diễn ra thường xuyên, liên tục, ở mọi lúc, mọi nơi, ở mọi tổ chức chính trị xã hội và mỗi con người. Được như vậy, quỹ máu dùng cho việc chữa trị bệnh tật và cứu người sẽ nhiều thêm và sẽ có nhiều người được cứu sống. Hiến máu sẽ mãi là một hành động nhân đạo, đầy trách nhiệm của chúng ta đối với cộng đồng.
LÊ PHI HÙNG