Suy từ cấp cơ sở, mở rộng ra trên cả nước cho thấy không khí dân chủ, nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật mà Đảng ta chủ trương, thực hiện đang phát huy tích cực trong đời sống xã hội, tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của nhân dân. Điều đó cũng thể hiện rõ nét trong thời gian gần đây, khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ với cán bộ, xin ý kiến của các tầng lớp nhân dân để hoạch định, điều chỉnh, bổ sung chính sách, hoàn thiện thể chế, cơ chế phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn, giải phóng sức lao động, huy động mọi nguồn lực cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Những cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội của các đại biểu Quốc hội cũng ngày càng thực chất hơn, các kiến nghị của cử tri được đại biểu Quốc hội ghi nhận, giải đáp theo thẩm quyền và phản ánh tới Quốc hội. Nhờ đó đã tạo được sự phấn khởi, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Quốc hội.

leftcenterrightdel
Cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên trò chuyện với bà con nhân dân Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ. Ảnh: Tạp chí Dân vận 

Xuyên suốt quan điểm lãnh đạo của Đảng ta là "lấy dân làm gốc", dựa vào dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc nhằm góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, Đảng, Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo các cấp bộ Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh phát huy dân chủ, hiến kế, khởi nghiệp, thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", làm cho xã hội thật sự dân chủ, công bằng và văn minh. Tuy nhiên, ở một số nơi, trong các cơ quan bộ, ngành, địa phương vẫn còn có cán bộ quan liêu, hách dịch, xa rời dân, thiếu sâu sát thực tế, dẫn đến tham mưu chưa đúng, chưa trúng, để lãnh đạo, chỉ huy ban hành những chính sách, quyết định chưa phù hợp, khó khả thi, làm cản trở sự phát triển kinh tế, xã hội, thậm chí ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, vận mệnh đất nước.

Để lãnh đạo, chỉ đạo đúng, sát thực tế, một trong những giải pháp cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ là các cấp ủy Đảng phải tăng cường quán triệt, giáo dục cán bộ, đảng viên không ngừng rèn luyện, bám sát thực tế, cơ sở, sâu sát với quần chúng nhân dân. Để sát thực tế, cơ quan các cấp bộ, ngành, chính quyền địa phương cần xây dựng kế hoạch, tổ chức cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; làm tốt công tác luân chuyển cán bộ; tiếp công dân; nâng cao hiệu quả sinh hoạt hai chiều và sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng, nhân dân ở nơi cư trú theo Quy định số 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Trong tiếp xúc, đối thoại với dân, cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, lắng nghe, tranh thủ ý kiến của nhân dân để lựa chọn, bổ sung, đề ra những chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đúng, sát hợp. Cần tránh việc tiếp xúc, đối thoại với dân mang tính hình thức, nghe xong rồi để đấy; xa dân hoặc tìm cách trốn tránh, gây mất thời gian của dân. Các cấp bộ Đảng, chính quyền, cơ quan ban, ngành cần quán triệt, làm tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) của Đảng đối với từng cán bộ, đảng viên. Coi việc tiếp xúc, đối thoại với dân là một trong những tiêu chí đánh giá thái độ, trách nhiệm, rèn luyện và phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là trong xem xét đề bạt, bổ nhiệm chức vụ của cán bộ, đảng viên. Gần dân, tranh thủ ý kiến của nhân dân không chỉ góp phần giúp cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo đúng, mà còn là một kênh quan trọng để tăng cường sự giám sát, kiểm tra của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt việc gần dân là làm cho mối quan hệ Đảng với dân, dân với Đảng được tăng cường, củng cố niềm tin của dân với Đảng, Nhà nước; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

HƯƠNG HỒNG THU