Trước đó, một số phụ huynh Trường Mầm non Tam Hưng A (huyện Thanh Oai) bày tỏ bức xúc khi nhà trường tổ chức dạy các chương trình ngoại khóa trong giờ chính khóa. Theo đó, nhà trường liên kết với một đơn vị mở các lớp kỹ năng sống, Toán, tiếng Anh và gym kids (hoạt động tăng cường giáo dục thể chất) cho trẻ từ 3 tuổi. Điều đáng nói, những trẻ không đăng ký học phải tạm rời lớp sang phòng khác hoặc ra sân trường ngồi.
Câu chuyện trên không phải chỉ ở riêng Trường Mầm non Tam Hưng A mà tồn tại khá phổ biến ở nhiều trường (chủ yếu bậc mầm non và tiểu học) trong cả nước.
 |
Việc chèn các hoạt động dạy học liên kết vào giờ chính khóa thời gian qua đã gây bất bình trong dư luận. Ảnh: thanhnien.vn
|
Có ý kiến cho rằng: Các hoạt động liên kết như vậy sẽ tốt hơn cho các em. Giúp các em rèn kỹ năng sống, phát triển năng khiếu hội họa, múa, nhảy... do đó phụ huynh phải tốn kém thêm kinh phí là điều tất nhiên. Nhưng nhiều phụ huynh cho rằng: Các trường công lập và đội ngũ giáo viên đủ sức để tiến hành những chương trình dạy múa, hát, kỹ năng sống; tổ chức các cuộc thi cho học sinh... Vì sao phải liên kết với đơn vị bên ngoài? Tại sao phải chèn vào thời gian chính khóa? Liệu đằng sau sự liên kết ấy có lợi ích nhóm không? Những câu hỏi ấy, cần một lời giải đáp thấu đáo từ phía nhà trường và các cơ quan quản lý.
Soi chiếu vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có "chương trình khung" và "chương trình mở". "Khung" là nhà trường phải thực hiện đầy đủ, đúng định mức, đúng quy định trong chương trình. Còn "mở" là các nhà trường được quyền thiết kế kế hoạch dạy học, đưa một số nội dung vào nhưng phải dùng chính định mức về đội ngũ giáo viên của trường để thực hiện chứ không phải dùng lực lượng bên ngoài vào thực hiện.
Như vậy, việc dạy kỹ năng sống, hoạt động tăng cường giáo dục thể chất.. được tích hợp vào các môn học chính khóa là nhiệm vụ của giáo viên và nhà trường. Việc lồng ghép dạy kỹ năng, hoạt động bổ trợ vào các môn học chính là điều mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo, khuyến khích các cơ sở thực hiện, yêu cầu giáo viên các trường phải thực hiện nội dung giáo dục kỹ năng trong các môn học chính khóa. Còn hoạt động trải nghiệm các kỹ năng liên ngành sẽ tổ chức theo các câu lạc bộ ngoài giờ học, dựa trên nhu cầu của học sinh. Nhà trường nào giao một đơn vị ở bên ngoài vào, dùng giờ học chính khóa để tổ chức giáo dục kỹ năng, hoạt động bổ trợ khác và có thu phí của học sinh là sai quy định.
Do vậy, việc quản lý các hoạt động liên kết trong nhà trường cần sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương. Nhưng trước hết phải xuất phát từ cái tâm của lãnh đạo và thầy, cô giáo mỗi nhà trường với phương châm “những gì có lợi cho học sinh thì hết sức làm”. Bên cạnh đó, mỗi phụ huynh cần mạnh mẽ lên tiếng phản đối những việc làm trái quy định mà các trường đề ra.
DUY THÀNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.