Từ vị trí là mặt hàng xuất khẩu khiêm tốn, những năm gần đây, rau quả Việt Nam đã gia nhập “câu lạc bộ” các mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ đô-la trở lên và trở thành động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là khi một số ngành hàng khác đã tới hạn hoặc có dấu hiệu chững lại. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành rau quả từ tháng 6-2016 đến nay đạt bình quân hơn 30%/tháng. Dự kiến năm 2016 này, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam hoàn toàn có thể “cán đích” 2,5 tỷ đô-la, lần đầu tiên vượt qua mặt hàng gạo và trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Intenet. 
Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, rau quả phong phú bốn mùa, thực sự là một thế mạnh, nhất là nước ta nằm trong vùng có thể trồng được nhiều loại rau quả mà nhiều nước trên thế giới không trồng được, lại ở sát thị trường có mức tiêu thụ rau quả lớn, tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, để “rau quả làng ta đi mạnh ra thế giới” thì chỉ riêng người trồng rau quả không thể tự làm được. Có được thành quả xuất khẩu rau quả ấn tượng trong thời gian qua, ngoài sự nỗ lực của người trồng, chăm sóc, phải kể đến sự vào cuộc tích cực của các nhà khoa học và các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường. Bởi theo quy định của nhiều quốc gia, rau quả nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện hết sức nghiêm ngặt về vùng trồng, quy cách đóng gói, kiểm dịch thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ...

Theo các chuyên gia, tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang còn rất lớn. Tuy nhiên, để xuất khẩu rau quả bền vững còn rất nhiều việc phải làm. Mỗi thị trường nhập khẩu đều có những yêu cầu khác nhau và  nhà sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm. Do diện tích trồng rau quả hiện nay ở nước ta phần lớn là của hộ nông dân với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, nên việc kiểm soát chất lượng, giá cả... đang là “bài toán khó”.

Để giải quyết vấn đề này, rất cần sự liên kết của các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, các siêu thị... với các hộ nông dân, hoặc thu hút nông dân vào các hợp tác xã, các doanh nghiệp để có điều kiện sơ chế, bảo quản sau thu hoạch. Mặt khác, diện tích đất dành cho trồng rau quả còn hạn chế, do vậy, rất cần xác định lại chiến lược sản xuất và xuất khẩu rau quả trong thời gian tới để có những quy hoạch và biện pháp hỗ trợ phát triển ngành hàng này. Cùng với làm tốt việc quy hoạch vùng trồng rau quả xuất khẩu, có thể chuyển một số diện tích đất trồng lúa không hiệu quả sang trồng rau quả xuất khẩu; chú trọng hỗ trợ kỹ thuật để phát triển những loại cây ăn quả mà nông dân Việt Nam còn lạc hậu về kỹ thuật, nhưng lại có tiềm năng lớn về thị trường…

Rào cản lớn nhất đối với rau quả xuất khẩu hiện nay là hệ thống kiểm soát với những quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vườn trồng, về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Để khắc phục rào cản này, cùng với các giải pháp nâng cao chất lượng, kiểm soát tốt chất lượng trồng rau quả trong nước, các doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật, bám sát những quy định nhập khẩu rau quả của các thị trường. Cùng với đó, cần khẩn trương xây dựng, quảng bá thương hiệu rau quả Việt Nam, trước mắt cần xây dựng thương hiệu quốc gia với một số loại trái cây có tiềm năng và đã xuất khẩu thành công, như thanh long, vải, nhãn, xoài, chuối... Để giảm thiểu rủi ro khi quá phụ thuộc vào một thị trường, gây nên tình trạng tranh mua, tranh bán, hạ giá…, gây thiệt thòi cho phía Việt Nam cần tăng cường tìm kiếm, mở rộng, đa dạng nhanh thị trường xuất khẩu và đầu tư sâu cho chế biến rau quả, góp phần đa dạng sản phẩm xuất khẩu.

HÀ QUÂN