Đây là giải thưởng do chuyên trang sắc đẹp quốc tế Missosology bình chọn và công bố. Để đạt được danh hiệu này, H'Hen Niê đã vượt qua 112 người đẹp khắp năm châu từng tham dự 5 cuộc thi hoa hậu có uy tín trên thế giới.
Có thể khẳng định, năm 2018 là “năm vàng” của văn hóa Việt Nam. Bằng chứng là, trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm qua, có 6/10 sự kiện liên quan đến hình ảnh văn hóa, con người Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến, ghi nhận và đánh giá cao. Đó là: Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu; nhan sắc Việt khẳng định vị thế trên bản đồ sắc đẹp thế giới; Việt Nam thi đấu thành công nhất từ trước đến nay tại sân chơi châu lục Asian Games 18; đội tuyển bóng đá nam quốc gia giành cúp vô địch tại Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á; lần đầu tiên bóng đá Việt Nam giành ngôi Á quân tại Giải vô địch Bóng đá U.23 châu Á; lần đầu tiên Việt Nam nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á năm 2018” do tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Award-WTA) trao tặng. Những ngày đầu năm 2019, người hâm mộ cả nước thêm một lần nức lòng bởi đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam lần đầu lọt vào vòng tứ kết Asian Cup 2019,…
 |
Ảnh minh họa / TTXVN. |
Từ nhiều năm nay, hai tiếng “Việt Nam” ngày càng trở nên gần gũi, thân quen với nhiều bạn bè, du khách trên khắp năm châu bốn biển. Con số hơn 15 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2018 đã minh chứng phần nào về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam có sức hấp dẫn đối với nhiều người nước ngoài.
Với mong muốn “Đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới”, thời gian qua, ngành văn hóa phối hợp với ngành ngoại giao và đại sứ quán các nước đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, như: Ngày văn hóa, Tuần văn hóa Việt Nam, các lễ hội văn hóa-du lịch Việt Nam, các hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa-du lịch Việt Nam tại nước ngoài, tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế lớn như EXPO, Biennale... Nhiều địa phương cũng chủ động đẩy mạnh công tác quảng bá văn hóa ra nước ngoài, như: TP Hà Nội làm các phim quảng cáo ngắn giới thiệu lịch sử, di sản, văn hóa, con người Hà Nội phát sóng trên kênh CNN; mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức đoàn công tác đến xúc tiến, quảng bá hình ảnh Phong Nha-Kẻ Bàng tại kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood và tại New York Times Travel show 2019-hội chợ du lịch lớn nhất ở Mỹ với sự tham gia của 560 gian hàng của các doanh nghiệp, quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới…
Kinh nghiệm từ các quốc gia thành công trong việc quảng bá văn hóa ra thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản,… cho thấy, đầu tư cho quảng bá văn hóa nội địa ra nước ngoài chính là tăng cường tiềm lực, "sức mạnh mềm" cho quốc gia. Việc này phải được làm căn cơ, bài bản thông qua một chiến lược quảng bá văn hóa ra nước ngoài, trong đó cần chú trọng quan tâm giới thiệu những giá trị truyền thống đặc sắc đã làm nên diện mạo, hồn cốt văn hóa Việt; xây dựng những biểu tượng văn hóa quốc gia Việt, thương hiệu sản phẩm văn hóa quốc gia Việt có tầm cỡ và đủ sức cuốn hút, lay động trái tim bạn bè quốc tế. Một khi văn hóa Việt có chỗ đứng và chiếm lĩnh thị phần ngày càng cao trên thị trường văn hóa quốc tế, lúc đó văn hóa Việt không chỉ là một phần giá trị của văn hóa thế giới mà còn trở thành một trong những chuỗi giá trị toàn cầu để không ngừng góp phần làm giàu sức mạnh nội sinh cho quốc gia, dân tộc ta.
BẢO NHƯ