Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước, ở thời kỳ nào cũng vậy, tuyệt đại đa số người dân một lòng một dạ trung thành với các vương triều để đánh đuổi ngoại bang, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lớp lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân đã hiến dâng cả sinh mạng, của cải vì sự nghiệp cách mạng, vì danh dự của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong các cuộc trường chinh giữ nước, giải phóng dân tộc xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu sẵn sàng hy sinh thân mình vì nghiệp lớn, trở thành niềm tự hào không chỉ của mỗi gia đình, dòng họ, mà là của cả dân tộc Việt Nam. Rồi những phong trào thể hiện sức mạnh, sự đồng lòng, như: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”… đã nói lên khí chất, danh dự và đức hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của mỗi người dân đất Việt.
Nhắc chuyện ngày xưa để ngẫm chuyện hôm nay. Thật buồn và cũng thật đau lòng khi một bộ phận cán bộ, đảng viên dẫu được Đảng, Nhà nước đào tạo, rèn luyện, được nhân dân nuôi dưỡng, chở che, nhưng đã không đủ bản lĩnh để vượt qua sự cám dỗ tầm thường của vật chất. Họ đã bán rẻ danh dự và lòng trung thực để thu về cho cá nhân mình chút ít vật chất, tiền bạc. Điều đau đớn, xót xa hơn, những đồng tiền mà họ thu được từ sự bán rẻ danh dự và lòng trung thành ấy lại được bòn rút trên mồ hôi, công sức của nhân dân, của đồng bào.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người luôn quan tâm chăm lo xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng; luôn coi đạo đức là "cái gốc" của người cách mạng. Người ví đạo đức cách mạng như gốc của cây, ngọn nguồn của sông, của suối. Theo Người, điều kiện tiên quyết để người cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ là phải có đạo đức cách mạng.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn suy nghĩ và trăn trở về nguy cơ có thể xảy ra đối với một đảng cầm quyền, đó là sai lầm về đường lối chính trị, sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Theo Người, đảng cầm quyền lãnh đạo toàn xã hội, lãnh đạo nhà nước, nếu cán bộ, đảng viên không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng thì mặt trái của quyền lực có thể làm tha hóa bản chất con người. Vì thế, Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: Muốn làm cách mạng, trước hết con người phải có cái tâm trong sáng, có đạo đức cao đẹp đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và đối với dân tộc, luôn phải kiên quyết đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người khẳng định: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng”. Đây không chỉ là yêu cầu về phẩm chất, năng lực mà còn là vấn đề có tính nguyên tắc trong chỉ đạo nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên.
Dẫn lại những điều răn dạy ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên luôn tự rèn luyện, trau dồi phẩm chất, giữ vững nguyên tắc trong cuộc sống và thực thi nhiệm vụ của mình. Mỗi người, hôm qua là vĩ đại, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người ca ngợi, nếu không còn trong sáng nữa…
LÊ LONG KHÁNH