Nếp nhà là những nền nếp sinh hoạt, ứng xử của các thành viên trong gia đình đã trở thành chuẩn mực, thành nền tảng chi phối đến suy nghĩ, thái độ, cử chỉ, hành vi của mỗi người. Một học trò ngoan, lễ phép bao giờ cũng được sinh ra và lớn lên trong gia đình có nếp nhà tốt. Trong thời bao cấp, dù đất nước, xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng phần lớn các gia đình từ thành thị đến nông thôn vẫn luôn quan tâm kèm cặp, rèn luyện nết ăn, nết ở cho trẻ em sao cho chừng mực, lành mạnh, văn minh. Đó là giáo dục trẻ biết gọi dạ, bảo vâng, khi đi thì hỏi, khi về thì chào. Không chỉ thực hiện ăn chín, uống sôi, đến bữa trẻ em biết “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”... Khi được người lớn mừng tuổi, tặng quà thì phải khoanh tay trước ngực, miệng lễ phép nói “Cháu cảm ơn ạ” rồi mới đưa hai tay ra đón nhận…

Ảnh minh họa: Báo Thể thao văn hóa.

Bỏ qua những yếu tố không còn phù hợp của lề thói gia phong hà khắc từ thời phong kiến, những giá trị nếp nhà của người Việt như ứng xử có trên có dưới, sống có trước có sau, kính già yêu trẻ, kính trên nhường dưới, chu đáo với khách đến nhà, ăn uống chừng mực, chi tiêu hợp lý, sống hòa thuận với xóm giềng… luôn giúp con người giữ gìn những điều nhân văn nhất. Nếp nhà là những phép tắc ứng xử, sinh hoạt, lối sống hợp đạo lý của ông cha, được lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành giá trị văn hóa không thể thiếu của mỗi con người, mỗi đời người. Như những hạt giống tốt lành, những giá trị nhân văn của nếp nhà sẽ góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp những tâm hồn đẹp, nhân cách đẹp. Khó có ai có thể phát triển thật sự hài hòa, tiến bộ, thành danh trong một gia đình không có nền nếp, không có phép tắc ứng xử lành mạnh giữa ông bà, cha mẹ và con cháu. Cổ nhân có câu “Quốc hữu quốc pháp, gia hữu gia quy”, nghĩa là “Nước thì có phép tắc của nước, nhà cũng phải có quy tắc ứng xử của nhà”, là muốn nói về giá trị của nếp nhà như vậy.

Trong xã hội hiện đại, không khó để tìm thấy những gia đình giàu có, những ông bố, bà mẹ ở biệt thự, đi xe sang, nhưng lại có những đứa con gặp người lớn không biết chào hỏi. Thậm chí có những “cậu ấm, cô chiêu” chưa bao giờ cầm chổi quét nhà, chưa một lần rửa ấm chén hay phơi cái quần, cái áo… vì những công việc ấy đã có người giúp việc làm thay. Lại có những học sinh nói tiếng Tây như gió, sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh đến mức “siêu đẳng”, song chưa hiểu thế nào là “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Những trẻ em không "thấm" những giá trị nhân văn của nếp nhà Việt, e rằng khó trở thành những người nặng lòng với ông bà, cha mẹ và giàu ân tình, ân nghĩa với quê hương!

Người xưa có câu “Thứ nhất là tu tại gia/ Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Câu ca dao có ý nhắc nhớ mọi người đừng bao giờ coi nhẹ những phép tắc ứng xử trong gia đình và cũng đừng sao nhãng việc rèn luyện những thói quen tốt hằng ngày ngay tại mái ấm của mình. Bởi mỗi người có tu dưỡng tốt ở nhà thì ra xã hội mới dễ hòa nhập, ứng xử thân thiện với cộng đồng.

THIỆN VĂN