Bài 3: Chọn đầu vào
Chính ủy, chính trị viên trước hết phải là những đồng chí cán bộ tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, hạt nhân đoàn kết đơn vị, nhất là phải thực sự tiền phong gương mẫu… Để đạt được những tiêu chuẩn đó còn phụ thuộc chính ở khâu chọn đầu vào.
Đồng chí Chính ủy Quân khu cho biết, trước khi thực hiện Nghị quyết 51, theo chỉ đạo của Tổng cục Chính trị, Quân khu đã bồi dưỡng, xếp đủ 2 cán bộ chính trị ở hầu hết các đơn vị cấp đại đội và tiểu đoàn đủ quân. Vậy mà nay, sau 5 tháng thực hiện Nghị quyết 51 chọn lọc đội ngũ cán bộ toàn Quân khu lại thiếu hầu hết chính trị viên phó đại đội, còn từ cấp tiểu đoàn trở lên đã bổ nhiệm đủ, nhưng nguồn bổ sung thì còn rất khó khăn, trong khi cấp phó đại đội trưởng thì lại không thiếu. Nguyên nhân là khó chọn đầu vào.
Khảo sát ở đoàn Sao Vàng chúng tôi thấy đúng là những đơn vị chưa có chính trị viên phó đại đội thì đồng chí chính trị viên rất bận, vừa là bí thư chi bộ, vừa là bí thư chi đoàn, vừa là chủ tịch Hội đồng quân nhân… lịch làm việc ken kín. Ở tiểu đoàn 2, đơn vị An Lão, hết giờ làm việc buổi chiều tôi đến thăm phòng làm việc của thượng úy Nguyễn Đức Minh, chính trị viên đại đội 7. Minh bê ra một chồng sổ sách khoe với tôi:
- Mười tám đầu sổ đấy nhà báo ạ. Trong tháng hầu như cuốn sổ nào chúng tôi cũng phải dùng đến, nên bận lắm.
Tôi ghi vội được mấy quyển đầu: Sổ Nghị quyết chi bộ; Bảo vệ an ninh; Dân vận; Dự thảo nghị quyết chi đoàn; Dự thảo họp Hội đồng quân nhân… Tôi hỏi chính ủy đơn vị An Lão, bao giờ thì bổ sung đủ chính trị viên phó đại đội. Anh nói hoàn toàn phụ thuộc vào cấp trên bổ sung về, có thể còn phải thiếu vài năm nữa. Đầu vào của chính trị viên đại đội gồm các nguồn: Học sinh tốt nghiệp phổ thông, chiến sĩ hết hạn nghĩa vụ quân sự thi tuyển hệ đại học, tốt nghiệp Học viện Chính trị-Quân sự; chuyển loại cán bộ chính trị từ nguồn cán bộ quân sự và trung đội trưởng diện 801.
Nói về chất lượng của các đối tượng, trên cơ quan đoàn bộ đoàn Sao Vàng, nhiều ý kiến cho rằng tuyển sinh có hạn chế là không chủ động chọn được thí sinh có năng khiếu sở trường làm công tác Đảng, công tác chính trị, thậm chí có những trường hợp khuyết tật như nói ngọng, nói lắp, nhập trường mới biết, trả về thì mất cơ hội vào đại học của thí sinh, mà giữ lại đào tạo thì khó bổ nhiệm chính trị viên. Số tốt nghiệp ra trường đảm nhiệm ngay cương vị chính trị viên đại đội thì còn rất thiếu kinh nghiệm thực tế, so với đại đội trưởng, thường là ít tuổi quân, tuổi đời hơn, trong khi nhiệm vụ lại rất nặng nề.
Tuy nhiên, đến các phân đội thì lại thấy một thực tế là hầu hết chính trị viên đại đội hiện nay là đối tượng tuyển sinh, nhiều đồng chí ra trường nhận công tác chỉ bỡ ngỡ thời gian đầu, sau tiến bộ rất nhanh, như thiếu úy Dương Tuấn Anh, chính trị viên đại đội 42; trung úy Đàm Thái Linh, chính trị viên đại đội 64; trung úy Hồ Văn Thơm, chính trị viên đại đội 23… thuộc đơn vị Tây Sơn.
Đồng chí đại tá Phan Trọng Hào, giáo viên Học viện Chính trị-Quân sự, là phó chính ủy dự nhiệm trung đoàn An Lão thì khẳng định, Học viện đã khảo sát rất nhiều lần đối tượng đầu vào và thấy chất lượng nhất vẫn là đối tượng tuyển sinh, họ có kiến thức cơ bản, thông minh, tiếp thu nhanh.
- Còn những hạn chế? Tôi hỏi.
- Khắc phục được. Ví dụ, chúng ta phải làm tốt khâu tuyên truyền tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí cán bộ tuyển sinh phải về trực tiếp các trường học, phổ biến tiêu chuẩn tuyển chọn, giúp các cháu định hướng nghề nghiệp, tự đánh giá được mình có đủ tiêu chuẩn là học viên sĩ quan chính trị hay không, trước khi ghi nguyện vọng chọn trường. Vừa qua, công tác tuyển sinh tuy đã có cố gắng, nhưng vẫn quen nếp bao cấp. Nói có thể hơi quá là “ngồi chờ ăn sẵn”. Còn thiếu thực tế thì nhà trường tăng thời gian thực tập giữa khóa… Tốt nghiệp ra trường chủ yếu giao giữ chức chính trị viên phó đại đội, giúp anh em có thời gian cần thiết để rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm.
Đồng chí phó chính ủy thẳng thắn nói:
- Nhiều học viên diện 801 năng lực, trình độ rất hạn chế, học xong về đơn vị khó phát huy được. Những đồng chí học lực yếu, thì cho dù thế nào cơ quan cán bộ cũng phải kiên quyết không bổ nhiệm chính trị viên đại đội. Nếu vì thiếu mà bổ nhiệm, thì vô hình trung làm mất uy tín của đội ngũ chính ủy, chính trị viên. Nhất là thời kỳ đầu thực hiện Nghị quyết 51 lại càng phải được chọn lọc kỹ.
- Còn số đào tạo cơ bản ở Trường sĩ quan Lục quân, chuyển loại chính trị sang làm chính trị viên?
- Những đồng chí tự nguyện chuyển loại thì rất tốt. Vì anh em vốn có kiến thức quân sự, lại được học chính trị, ra làm công tác đảng, công tác chính trị rất vững, có chiều sâu và tự tin. Hầu hết số này thay thế được đại đội trưởng điều hành công tác huấn luyện.
Nghe anh Hào nói, tôi lại nhớ hôm làm việc ở tiểu đoàn 2. Biết trung tá Vương Chí Thiện, chính trị viên tiểu đoàn, vốn là học viên sĩ quan lục quân mà vừa thi đạt giải nhất giáo viên chính trị giỏi cấp quân khu. Hỏi về kinh nghiệm Thiện bật mí:
- Làm gì cũng phải yêu nghề, say nghề thì mới giỏi được. Ví dụ như tôi, khi còn là học viên của Trường sĩ quan Lục quân (1987-1990) tôi đã mơ ước làm cán bộ chính trị, nên suốt khóa học, các môn thi chính trị đều đạt loại giỏi. Chính ủy, chính trị viên là “chị cả”, là linh hồn của đơn vị thì trong tuyển chọn đào tạo, theo tôi phải rất kỹ và phải loại ra đầu tiên những người không tự nguyện. Hiện nay còn ít cán bộ quân sự có nguyện vọng chuyển loại chính trị, theo tôi đó cũng là chuyện bình thường, không có gì phải nóng vội. Đặc biệt là tổ chức không được “chụp mũ” cho anh em tư tưởng không tốt. Mác nói, nhận thức là một quá trình…
Nghe Thiện nói tôi hiểu, biết được thực tế thời gian qua cá biệt ở một số đơn vị, nhà trường, địa phương, vì nhiều lý do mà công tác tuyển chọn đầu vào đào tạo đội ngũ chính trị viên đại đội cũng chưa thật nghiêm ngặt, tiêu chuẩn chất lượng không phải lúc nào cũng được đặt lên trên hết.
Với những kinh nghiệm bước đầu rút ra ở đoàn Sao Vàng, Quân khu 1 về chế độ một người chỉ huy, gắn với chế độ chính ủy, chính trị viên, chúng tôi mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi, giới thiệu điển hình, tham gia diễn đàn của đông đảo các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy trong quân đội và bạn đọc cả nước trên trang Chính trị-Xã hội, báo Quân đội nhân dân. Địa chỉ xin gửi về: Phòng Biên tập Công tác Đảng, Công tác Chính trị báo Quân đội nhân dân, số 7, Phan Đình Phùng, Hà Nội. Địa chỉ thư điện tử: chinhtri@qdnd.vn.
Bài và ảnh: HUY THIÊM, HỒNG HẢI