Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Điểm cầu Trung ương được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế; 1 điểm cầu tại trụ sở Bộ Tư pháp (Hà Nội) và 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí đồng chủ trì hội nghị.

Cùng dự hội nghị ở điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế có Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương…

Theo phát biểu khai mạc hội nghị của Bộ trưởng Lê Thành Long; báo cáo tổng kết công tác năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2022 của Bộ Tư pháp, năm 2021, dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến tình hình kinh tế-xã hội nói chung và việc triển khai công tác tư pháp nói riêng.

Tuy nhiên, toàn ngành đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ được giao.

Công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện quyết liệt, linh hoạt, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chú trọng đầu tư nguồn lực, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; công tác xử lý văn bản trái pháp luật được thực hiện quyết liệt, góp phần bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật.

Năm 2021, các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 7 luật, nghị quyết và cho ý kiến với 5 dự án luật khác, đang gấp rút chuẩn bị 4 nội dung trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp bất thường; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản quy phạm pháp luật. Các địa phương đã ban hành 5.510 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện.

Bộ Tư pháp đã thẩm định 232 dự thảo; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 634 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 4.904 dự thảo và 1.879 dự thảo do các Phòng Tư pháp thẩm định.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 được thực hiện kịp thời, trách nhiệm.

Ngành tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 12.366 văn bản quy phạm pháp luật. Riêng Bộ Tư pháp đã kiểm tra 3.644 văn bản (gồm 301 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 3.343 văn bản của của HĐND và UBND cấp tỉnh). Ngành tư pháp đã tập trung rà soát được 29.955 văn bản quy phạm pháp luật, kiến nghị xử lý (sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới) đối với 5.581 văn bản.

Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật được thực hiện hiệu quả hơn, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở đã có nhiều đổi mới trong tư duy, cách làm; nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến đã được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương chú trọng, nổi bật là thi tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật đối với một số lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp: thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; hành chính tư pháp; pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật... trong bối cảnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp tiếp tục được nâng cao.

Các cơ quan thi hành án dân sự đã nỗ lực thi hành xong 493.971 việc với hơn 45.700 tỷ đồng, trong đó có hơn 4.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử triển khai tại 63 tỉnh/thành đã ghi nhận có hơn 21,2 triệu dữ liệu khai sinh với hơn 6,4 triệu dữ liệu dữ liệu hộ tịch điện tử được chia sẻ cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hơn 2,7 triệu thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi được cấp thong qua liên thông thủ tục hành chính điện tử; hơn 4,2 triệu dữ liệu kết hôn; hơn 3 triệu dữ liệu khai tử; hơn 5,6 triệu hồ sơ đăng ký các sự kiện hộ tịch khác.

Công tác xây dựng ngành, đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học pháp lý; việc thanh tra, kiểm tra, bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động của ngành được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực. Những kết quả nêu trên đã tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Báo Quân đội nhân dân điện tử sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về hội nghị.

Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG